Suốt 10 năm qua, luật sư Nguyễn Anh Minh mỗi ngày 2 lần đi trên cung đường từ nhà ở đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè, TP HCM) đến đường Hai Bà Trưng (quận 1). Ngần ấy thời gian đủ để ông cảm nhận rõ tình trạng giao thông ngày càng bức bối trên những con đường mà ông đi qua.
Không khuyến khích xây thêm ở trung tâm
Theo ông Minh, nếu năm 2014, thức dậy từ 5 giờ 30 phút và có thể đủng đỉnh lên xe buýt lúc 6 giờ 30 phút, uống chưa hết ly cà phê trên tay, xe đã đưa đến nơi làm. Vậy mà hiện tại, mất ít nhất 60 phút, xe buýt mới đưa ông từ nhà đến cơ quan. "Càng về trung tâm, lượng phương tiện càng nhiều, phần lớn từ các tòa chung cư ùa ra. Có thể nói, con đường Huỳnh Tấn Phát không mở rộng nhưng dân số lại tăng, nhà cao tầng cứ thế mọc lên nên ùn tắc ngày càng nghiêm trọng" - ông Minh lập luận.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Việt, nguyên Đội trưởng Đội CSGT Bến Thành, cho biết 10 năm trước, trục đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1, TP HCM) rất thông thoáng, hiếm khi phải bố trí lực lượng CSGT túc trực thường xuyên để điều tiết. Thế nhưng hiện tại, trên con đường này ngay từ sáng sớm, các phương tiện đã phải di chuyển chậm chạp và lực lượng phải được bố trí thường xuyên để điều tiết. "Sự hình thành các chung cư cao tầng gần đó đã gia tăng áp lực lên con đường này" - ông Việt nói. Ông cho hay trung bình 5 năm, TP HCM sẽ đón nhận thêm 1 triệu dân và mỗi năm, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt phải tăng cường quân số có mặt trên đường và vị trí mới để ổn định việc đi lại.
Đường Nguyễn Hữu Thọ, chỉ một đoạn ngắn qua xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM đã có hàng chục dự án chung cư cao tầng
Trước thực trạng này, Sở Xây dựng TP HCM vừa có tờ trình UBND TP phê duyệt đề án "Tổ chức thực hiện chương trình phát triển nhà ở cho người dân TP HCM giai đoạn 2020-2030".
Theo đề án, với chung cư dạng nhà ở xã hội cần đa dạng hóa phương thức đầu tư, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách; với nhà ở thương mại, cần giải quyết vướng mắc trong việc cung cấp chỉ tiêu quy hoạch, phê duyệt; với nhà ở riêng lẻ của người dân cần đơn giản thủ tục. Đối với chương trình giải tỏa nhà ven kênh, rạch và cải tạo chung cư cũ sẽ cho phép UBND quận, huyện được áp dụng cơ chế đặc thù nhằm thu hút nhà đầu tư.
Khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1, 3) hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch hạ tầng phù hợp; ưu tiên các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975. Khu vực 6 quận gồm 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn như tuyến metro số 1.
Khu vực 11 quận nội thành (quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú và Bình Thạnh) tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại. Trong đó, các quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp đẩy mạnh kêu gọi đầu tư dự án nhà ở; các quận 4, 5, 6, 11, Phú Nhuận hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch phù hợp. Riêng khu vực 5 huyện ngoại thành (Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn và Cần Giờ), ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu đô thị mới, khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu dân cư nông thôn, khu đô thị vệ tinh.
Cập nhật thường xuyên để phù hợp thực tiễn
TS Dư Phước Tân, Trưởng Phòng Nghiên cứu Quản lý đô thị Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết theo đánh giá từ Ngân hàng Thế giới (WB), TP HCM là nơi có tốc độ đô thị hóa rất cao, kéo theo nhu cầu nhà ở cũng rất cao. Giá bất động sản tăng cao phần lớn là do hiện tượng đầu cơ khiến người thu nhập thấp và lao động nhập cư khó có điều kiện sở hữu nhà.
TP HCM sẽ chỉ cho phép làm chung cư cao tầng ở trung tâm TP HCM đối với các dự án cải tạo lại chung cư cũ xây dựng trước 1975
Đánh giá về đề án trên, ông Dư Phước Tân cho rằng quy hoạch để giảm tải áp lực giao thông phù hợp với nhu cầu nhà ở là chuyện tất yếu. Ông tán đồng nội dung đẩy mạnh các dự án vùng ven và ưu đãi cho các dự án cải tạo chung cư cũ. Bởi như vậy sẽ tạo ra thị trường sôi động, tăng số lượng căn hộ giúp người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở. Tuy nhiên, ông Dư Phước Tân cũng khuyến cáo tình trạng người dân ở vùng nông thôn dịch chuyển lên đô thị lớn để sinh sống là điều khó tránh khỏi và các dự báo nhu cầu nhà ở sẽ không phù hợp theo cả một giai đoạn. Do đó, TP cần phải thường xuyên nắm bắt để điều chỉnh đề án phù hợp với tình hình thực tế.
Trong khi đó, KTS Trần Vĩnh Nam nhấn mạnh đúng ra việc không cho phép làm chung cư và thậm chí các tòa nhà thương mại ở trung tâm TP phải thực hiện cách đây 3 năm chứ để đến bây giờ mới tính là quá muộn. "Tuy nhiên, việc khuyến khích làm nhà cao tầng vùng ven không phải là giải pháp tốt. Để phát triển bền vững cần tạo động lực để liên kết vùng và giải quyết nhu cầu việc làm ở các khu vực lân cận. Khi việc làm đẩy ra xa, kéo theo nhà ở sẽ giãn dần. Vì vậy, việc hình thành các đô thị vệ tinh liên kết với đô thị hiện hữu là cách giúp giảm đi nhiều áp lực, trong đó có giao thông và nhà ở cho TP HCM" - KTS Trần Vĩnh Nam phân tích.
Đến năm 2030, TP HCM cần 830.000 căn nhà
Theo tờ trình của Sở Xây dựng TP HCM, TP có khoảng 1,92 triệu căn nhà, căn hộ chung cư, trong đó còn 13.770 căn nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ. Mật độ nhà ở trung bình là 913 căn/km2, nơi có mật độ nhà ở cao nhất là quận 4 gần 11.000 căn/km2. Tỉ trọng của dân số cơ học tăng thêm tại khu vực nội thành phát triển là 54,5% và ngoại thành là 42%. Dự báo năm 2030, TP cần khoảng 150 triệu m2 sàn nhà ở, tức xây thêm 830.000 căn nhà. Để đáp ứng được nhu cầu đó, về diện tích, đến năm 2030, TP sẽ cần tới 946 ha để xây dựng chung cư và 850 ha để xây dựng nhà ở riêng lẻ.