Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố ấn phẩm Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2020.
Kết quả cho thấy, năm 2020, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam thấp hơn so với TFR trung bình của các nước Đông Nam Á (TFR của khu vực này là 2,3 con/phụ nữ). TFR của Việt Nam cao hơn năm nước trong khu vực là Myanmar (2,0 con/phụ nữ), Brunei (1,7 con/phụ nữ), Malaysia (1,8 con/phụ nữ), Singapore (1,1 con/phụ nữ) và Thái Lan (1,5 con/phụ nữ), trong khi lại thấp hơn nhiều so với các nước còn lại trong khu vực Đông Nam Á.
Năm 2020 so với năm 2019, TFR tăng nhẹ ở cả khu vực thành thị và nông thôn. TFR của thành thị tăng 0,08 con/phụ nữ và nông thôn tăng 0,03 con/phụ nữ. Năm 2020, TFR của khu vực thành thị là 1,91 con/phụ nữ, thấp hơn con số 2,29 con/phụ nữ của khu vực nông thôn.
Sự khác biệt này là do các cặp vợ chồng ở thành thị được tiếp cận với các nguồn thông tin dễ dàng hơn, nhận thức tốt hơn về lợi ích của gia đình ít con mang lại so với các cặp vợ chồng ở nông thôn và việc dễ dàng tiếp cận các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cũng giúp họ tránh mang thai và sinh con ngoài ý muốn.
Một lý do nữa là nhờ điều kiện sống ở khu vực thành thị tốt hơn khu vực nông thôn, do đó trẻ em ở thành thị được chăm sóc tốt hơn trẻ em nông thôn, dẫn đến tỷ lệ chết sơ sinh và chết trẻ em ở thành thị thấp hơn ở nông thôn, từ đó góp phần làm giảm nhu cầu sinh thay thế ở khu vực này.
Xét theo vùng kinh tế - xã hội, trong những năm qua, Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao. Hai vùng có mức sinh thấp là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội là nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt về mức sinh giữa các vùng.
Đáng chú ý, Đông Nam Bộ cũng là địa phương có tỷ lệ tăng dân số cao nhất cả nước (2,75%), đây là trung tâm kinh tế năng động, thu hút rất nhiều người di cư đến làm ăn, sinh sống và học tập. Đáng chú ý, so với năm 2019, dân số Đồng bằng sông Cửu Long có giảm, với tỷ lệ giảm là 0,26%.
Tuy Tây Nguyên luôn là vùng có mức sinh cao nhưng dấu hiệu đáng mừng trong giai đoạn 2009-2018 là TFR của vùng này liên tục có xu hướng giảm mạnh từ 2,65 con/phụ nữ năm 2009 chỉ còn 2,32 con/phụ nữ năm 2018. Điều này đã thể hiện sự thành công trong Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 cũng như Chương trình mục tiêu dân quốc gia dân số thời kỳ 2012-2015.
Số liệu năm 2020 cho biết, nếu chia toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước thành 4 nhóm theo mức sinh khác nhau gồm: dưới mức sinh thay thế (TFR dưới 2,0 con/phụ nữ) có 19 tỉnh; xung quanh mức sinh thay thế (TFR từ 2,0 đến dưới 2,2 con/phụ nữ) có 10 tỉnh; cao hơn mức sinh thay thế (TFR từ 2,2 đến dưới 2,5 con/phụ nữ) có 21 tỉnh và mức sinh cao (TFR từ 2,5 con/phụ nữ trở lên) có 13 tỉnh.
Trên phạm vi cả nước, tỉnh có mức sinh cao nhất là Hà Tĩnh (2,73 con/phụ nữ), tỉnh có mức sinh thấp nhất là TP. HCM (1,53 con/phụ nữ), sau TP. HCM và Bình Dương (1,63 con/phụ nữ).