Theo TS. Lê Văn Năm - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh, từ năm 1976 đến 1982 Thành phố đã thường xuyên chỉ đạo đối với công việc lập quy hoạch sao cho bài bản, gắn với yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài, từ đó cho phép gấp rút thực hiện một số công việc nhằm ổn định cuộc sống của người dân như: Tiến hành điều tra cơ bản, toàn diện thực trạng đô thị để chuẩn bị cho việc đề xuất những bước đi ban đầu về cải tạo xây dựng và phát triển Thành phố; quy hoạch cải tạo các khu vực công nghiệp, sắp xếp lại tiểu thủ công nghiệp xen cài trong nội thành, vừa tạo công ăn việc làm vừa giảm bớt ô nhiễm trong khu dân cư; cải thiện trước mắt phúc lợi công cộng và hạ tầng giao thông, cấp điện - nước cho sinh hoạt tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề trong chiến tranh bằng giải pháp xây dựng mới và cải tạo các công trình hiện có; thí điểm xây dựng mới vài khu nhà ở cho công nhân (đặc biệt là công nhân vệ sinh), phát động nhân dân nội thành tự sắp xếp, sửa chữa nhà ở quá chật hẹp theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đây là giai đoạn sơ khởi cho việc chuẩn bị nghiên cứu Đồ án "Cơ sở kinh tế - kỹ thuật (gọi tắt là TEO) quy hoạch cải tạo và xây dựng TP. Hồ Chí Minh" sau này.
Tháng 5/1990, Chính phủ đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo cho công tác lập quy hoạch tổng mặt bằng TP. Hồ Chí Minh. Tháng 02/1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã có ý kiến chỉ đạo về quy hoạch chỉnh trang nội thành và phát triển các khu đô thị mới ở TP. Hồ Chí Minh làm cơ sở cho việc điều chỉnh tổng mặt bằng lần thứ nhất nhằm đáp ứng các yêu cầu mới mà đồ án quy hoạch chung xây dựng đã được phê duyệt năm 1993 trước đây chưa đề cập.
Tháng 7/1997, Đề án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đầu tiên của Thành phố (dự báo cho thời kỳ 1996 - 2000) được lập và phê duyệt đã xác định một số mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể cho việc tăng trưởng. Sau khi được Bộ Chính trị mở thêm một số cơ chế chính sách đã giúp TP. Hồ Chí Minh trở thành một đại công trường sau đó với hình ảnh đô thị được "thay da đổi thịt" từng năm.
Song song với đó, hàng loạt dự án, chương trình cụ thể đã được xây dựng để thực hiện quy hoạch chung được duyệt. Một trong những thành quả nổi bật là Chương trình di dời các hộ dân sống trên và ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện đang được xã hội đánh giá rất cao, vừa góp phần thay đổi diện mạo đô thị ven kênh, vừa thực thi chỉnh trang - xây dựng mới nhiều công trình cao tầng quy mô lớn tại khu trung tâm theo đồ án quy hoạch.
Năm 2010, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần thứ hai xác định mô hình phát triển TP. Hồ Chí Minh theo hướng Tập trung - Đa cực, trong đó ý nghĩa của "Tập trung" là cả khu vực nội thành với bán kính 15km và "Đa cực" là 4 cực phát triển của 4 trung tâm cấp thành phố tại các quận 7, quận 9, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn. Cụ thể là phát triển Thành phố theo hướng đa tầm với trung tâm tổng hợp chính của thành phố tại khu vực trung tâm nội thành hiện hữu và mở rộng sang Thủ Thiêm cùng các trung tâm cấp Thành phố tại bốn hướng phát triển gồm: Hai hướng chính là Đông Nam tiến ra biển và hai hướng phụ là Tây Bắc và Tây - Tây Nam. Hướng chính phía Đông ngoài Xa lộ Hà Nội đã được xác định còn bổ sung thêm hành lang phát triển tuyến cao tốc TP . Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Hướng chính phía Nam với hành lang phát triển dọc tuyến Nguyễn Hữu Thọ nối với khu đô thị cảng Hiệp Phước. Hướng phụ phía Tây Bắc với hành lang phát triển dọc tuyến QL22. Hướng phụ phía Tây - Tây Nam với hành lang phát triển dọc tuyến Nguyễn Văn Linh.
Với sự phát triển của khu Tây thì Đại lộ Đông Tây dường như là "con đường di sản" của TP. Hồ Chí Minh bởi nó tạo thành một trục xuyên suốt nối từ phía Đông của Thành phố đi hết phía Tây giúp cho giao thông của địa phương thêm phần nổi bật.
Với chiều dài 24km qua địa bàn 8 quận huyện, Đại lộ Đông Tây (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) được đánh giá là con đường "dài 300 năm" bởi nó chạy suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh. Với sự hài hòa trong thiết kế đô thị và quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trục Đại lộ Đông Tây, con đường được cho là đẹp và hiện đại nhất TP. Hồ Chí Minh lúc vừa đi vào hoạt động.
Theo lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, cuối năm 1996, tuyến đường xanh nối từ Nhà Bè đến QL1A cũng được khởi công và mang trên mình một sứ mệnh quan trọng là góp phần đưa cả vùng đất phía Nam TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các vùng kinh tế chiến lược của miền Đông Nam bộ bước sang trang mới. Năm 2000, con đường đã được vinh dự đặt tên của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Cho đến ngày 30/12/2007, toàn bộ Đại lộ Nguyễn Văn Linh - tuyến đường đô thị lớn nhất, hiện đại nhất của TP. Hồ Chí Minh với chiều dài 17,8km, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD được hoàn thành theo đúng tiến độ.
Sẽ không quá cường điệu khi cho rằng sự có mặt của tuyến đường đã làm sáng lên những vấn đề cơ bản của đô thị hóa, là điểm nhấn cho tiến trình thay đổi bản chất kinh tế, bộ mặt an sinh xã hội của huyện Nhà Bè. Hơn thế, tuyến đường chính là chất xúc tác, chất keo kết dính trong việc xác định hạ tầng và quy mô đô thị hóa cho thành phố tiến ra biển Đông với tầm nhìn từ thế kỷ 21.
Trước hết, tuyến đường huyết mạch có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam thành phố, kết nối với những công trình trọng điểm như: Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Nhà máy Điện Hiệp Phước, Khu công nghiệp Hiệp Phước và Khu đô thị cảng Hiệp Phước. Con đường thành hình, việc trung chuyển hàng hóa từ Khu chế xuất Tân Thuận, cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận, các tổng kho, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại đã được giải quyết.
Tầm chiến lược của con đường càng được xác định rõ nét và trở thành tuyến vành đai chủ lực tạo mạng lưới giao thông liên hoàn từ Nam Sài Gòn đến các quận, các tỉnh miền Tây Nam bộ với các vùng kinh tế trọng điểm miền Đông Nam bộ khi cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn được xây dựng, nối liền trục giao thông vành đai phía Đông thành phố, nối từ quận 7 sang quận 2 và quận 9.
Như vậy, với những định hướng cơ bản về việc phát triển, Đại lộ Nguyễn Văn Linh băng qua hàng loạt sông, rạch, đầm lầy, được thông với các tuyến giao thông nội thành từ Nam thành phố đến các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ, cùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trục xương sống huyết mạch này đóng vai trò quyết định trong việc chuyển đổi phần lớn cư dân nông thôn sang cư dân thành thị. 21 phân khu chức năng được định hình và phát triển xoay quanh nó như: Khu dân cư, trung tâm lưu thông hàng hóa, khu công nghệ cao, khu làng đại học...
Chính sự phát triển đô thị Phú Mỹ Hưng và cùng với tuyến đường, Đại lộ Nguyễn Văn Linh kết hợp với Đại lộ Võ Văn Kiệt đã làm thay đổi cả một vùng đất, cả một khu vực phía Nam thành phố. Từ một vùng nông thôn, nông nghiệp thuần túy đất phèn chua, ao hồ, dừa nước, sình lầy, sông rạch chằng chịt, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đường sông nay đã là một vùng đất trù phú, tốc độ đô thị hóa nhanh. Rồi quận 7 tách từ huyện Nhà Bè, quận Bình Tân tách ra từ huyện Bình Chánh, quận 4, quận 8, quận 5 thông thương giao lưu đi lại dễ dàng. Một bằng chứng mạnh mẽ cho sự "chuyển mình" của Thành phố chính là nhờ sự "xuất hiện" của các dự án giao thông lớn để đưa TP. Hồ Chí Minh phát triển vượt trội và trở thành đô thị phát triển lớn nhất Việt Nam.