Tập đoàn IPPG sẽ tài trợ sản phẩm nghiên cứu lập Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh. IPPG sẽ thuê tư vấn đẳng cấp trong nước và quốc tế để xây dựng và mời các công ty tài chính uy tín của Mỹ tham gia tư vấn hoàn thiện đề án.
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 23% GDP, khoảng 27% ngân sách quốc gia, thu hút gần 34% dự án có nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của cả nước. Do đó, TP. Hồ Chí Minh xứng đáng để hình thành một Trung tâm Tài chính quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Tài chính của khu vực là ý tưởng, cũng như mong muốn từ nhiều năm qua được các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế ủng hộ. Đây là chủ trương quan trọng mà thành phố quyết tâm thực hiện.
Trong năm 2021, Thành phố đã triển khai công tác chuẩn bị để thành lập đề án, mời đơn vị tư vấn nghiên cứu bước đầu về mô hình, cơ chế của Trung tâm Tài chính. Do dịch bệnh nên việc nghiên cứu triển khai bị ảnh hưởng và hiện tại là thời điểm phù hợp để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu triển khai đề án.
Chủ tịch IPPG, "Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn cam kết, IPPG sẽ bàn giao đề án cho Thành phố trong vòng 60 ngày từ ngày ký Biên bản ghi nhớ, không kể thời gian lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành liên quan. IPPG đã ký hợp đồng với các Công ty tư vấn trong nước và Công ty Shearman & Sterling - London để xây dựng Đề án xây dựng Trung tâm Tài Chính Quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế đặc thù, thích hợp để xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất tại Việt Nam về dân số và quy mô đô thị hóa; là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục. Năng suất lao động của Thành phố đạt khoảng 293 triệu đồng/lao động và có nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, Thành phố có nguồn lao động được đào tạo làm việc trong các lĩnh vực tài chính khá lớn.
Xét quy mô thị trường, Thành phố có thị trường hàng hóa, thương mại dịch vụ đạt quy mô lớn, mức tăng trưởng khá. Thị trường khoa học và công nghệ có quy mô tăng trưởng tốt, góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh có lợi thế nằm ở múi giờ khác biệt so với 21 trung tâm tài chính lớn nhất trên thế giới. Lợi thế về mặt địa lý này có lợi trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi khi các trung tâm lớn nghỉ giao dịch.
Riêng về thị trường tài chính, TP. Hồ Chí Minh đã là một trung tâm tài chính hàng đầu của Việt Nam. Việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo ra các nhân tố thu hút các dòng vốn đầu tư quốc tế đến Việt Nam. Từ đó, sự phát triển của thị trường tài chính Thành phố sẽ ngày càng lớn mạnh, kéo theo sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.