Theo Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm 2020 đến nay ngành du lịch và hàng không chịu thiệt hại nặng nề chưa từng có, mọi hoạt động gần như tê liệt. Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp đều điêu đứng, ngưng hoạt động, không có doanh thu... nhưng vẫn phải chịu áp lực lớn với hàng loạt các chi phí: trả lương cho lao động (mặc dù đã cắt giảm và cơ cấu lại nhân sự), trả lãi vay, nợ, hoàn tiền cho khách hàng với các chi phí đã đặt trước.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả, miễn, giảm lãi, phí, đã hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng trả nợ tốt hơn, trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, vận tải du lịch vẫn chưa thể thực hiện được vì chưa hồi phục lại hoạt động.
Đến ngày 2/4/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. Tuy nhiên, sau khi Thông tư ban hành, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với diễn biến càng phức tạp và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với năm 2020. Hiện nay, dù cơ cấu thời hạn trả nợ thêm 12 tháng theo Thông tư 03/TT-NHNN quy định, doanh nghiệp du lịch vẫn vô cùng khó khăn trong thanh toán các khoản nợ.
Hiện ngành du lịch vẫn lao đao và chưa thể hồi phục ngay, nhiều doanh nghiệp bị tê liệt hoàn toàn, một số doanh nghiệp đã phá sản, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay... cho các ngân hàng đúng quy định. Trong khi đó, ngành du lịch cũng chưa xác định được thời gian đón khách quốc tế vào lúc nào khi dịch bệnh vẫn đang diễn, điều này khiến doanh nghiệp du lịch khó càng thêm khó.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp ngành du lịch đang gặp khó gồm doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, khu du lịch, nhà hàng và chuỗi cung ứng dịch vụ... kéo theo đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành nghề khác như vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy.... Nhằm hỗ trợ giúp doanh nghiệp du lịch khôi phục trong mùa dịch, cần có những cơ chế đặc thù, ưu đãi, đặc biệt là trong các chính sách vay vốn.
Do đó, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, UBND TP Hồ Chí Minh và Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch, như giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ; gia hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ....
Trước đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong mùa dịch bệnh, vừa qua Chính phủ đã có Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không có lãi nên việc giảm thuế hầu như không có tác dụng. Vì vậy, đa số doanh nghiệp cũng đề xuất giảm thuế GTGT từ 10% xuống 5% trong năm 2021. Đối với vốn, tín dụng, nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp được vay lại tiền ký quỹ không lãi suất; xem xét tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giảm và gia hạn thời gian trả nợ vay; tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay... cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.
"Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tiếp tục kiến nghị hỗ trợ miễn giảm thuế cho doanh nghiệp lữ hành, các nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển kinh doanh dịch vụ lữ hành; hỗ trợ áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch trong năm 2021…", bà Nguyễn Thị Khánh cho biết thêm.