Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – TPB) vừa thông qua việc triển khai Phương án tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2021 bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 1/11/2021.
Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành hơn 410 triệu cổ phiếu, tương đương quy mô hơn 4.100 tỷ đồng để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ phát hành tương đương là 35%. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ từ từ 11.716 tỷ đồng lên hơn 15.817 tỷ đồng.
Trong báo cáo phân tích mới đây, chuyên gia của chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng, đợt tăng vốn này của TPBank sẽ là chất xúc tác cho cổ phiếu, hỗ trợ tính thanh khoản cổ phiếu và thúc đẩy việc đánh giá lại định giá cao hơn nữa trong các giai đoạn sắp tới.
Đóng cửa phiên giao dịch (5/11), giá cổ phiếu TPB ở mức 43.500 đồng/cp, giảm 3% trong tuần đầu tháng 11. Trước đó, cổ phiếu TPB đã lập đỉnh 44.850 đồng/cp vào ngày 29/10. TPB là một trong những cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tốt nhất trong 3 tháng trở lại đây, liên tục tăng giá trong khi đa số cổ phiếu ngân hàng khác đi xuống.
Nền tảng vốn dồi dào cùng chất lượng tài sản, quản trị rủi ro tốt là những yếu tố đã giúp cho TPBank được cấp hạn mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất toàn hệ thống. Tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 15% và trước đó, trong năm 2020, tín dụng của nhà băng này tăng tới 30%. Đây là mức tăng trưởng rất khả quan trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
BVSC cũng đánh giá, kết quả kinh doanh quý 3/2021 của TPBank tốt hơn so với kỳ vọng. Lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 của ngân hàng tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.584 tỷ đồng trong bối cảnh Covid-19 tái diễn đầy thách thức tại Việt nam. Động lực chính từ thu nhập từ lãi tốt, ngoài ra, ngân hàng có lãi đáng kể từ chứng khoán đầu tư và CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) được tối ưu hóa xuống mức thấp kỷ lục.
Thu nhập lãi thuần quý 3 của TPBank tăng trưởng mạnh mẽ nhờ tăng trưởng tín dụng khả quan trong quý 3. Ngoài ra, chi phí huy động được cải thiện khi CASA tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 21,6%. Điều này có được nhờ nền tảng ngân hàng kỹ thuật số ưu việt và cơ sở khách hàng mở rộng vững chắc.
NIM quý 3 của TPBank có giảm nhẹ xuống 4,15%, giảm 66bps so với quý trước nhưng vẫn tăng 24bps so với cùng kỳ. Việc lợi suất tài sản sinh lãi giảm, theo BVSC có thể do TPBank đã cắt giảm lãi suất để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và ngân hàng không ghi nhận lãi dự thu trong kỳ.
Được biết, trong quý III, TPBank xây dựng các chương trình, các gói miễn giảm lãi suất cho khách hàng trong 06 tháng cuối năm. Tổng số dư nợ hỗ trợ khách hàng lần này được TPBank ước tính gần 45.000 tỷ đồng với mức giảm lãi cho khách hàng dự tính lên tới gần 400 tỷ đồng.
Về chi phí, tổng chi phí hoạt động của ngân hàng tăng chỉ 8% so với cùng kỳ năm trước. So với tốc độ tăng trưởng doanh thu (39%), có thể thấy các hoạt động của TPBank đã được tối ưu hóa hơn. Nhờ vậy, chỉ số chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) trong một năm qua đã giảm mạnh từ 40% xuống 31,67%. Các chỉ số hiệu quả sử dụng vốn ROA và ROE của ngân hàng lần lượt là 2,01% và 22,59%, cho thấy TPBank tiếp tục nằm trong nhóm những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất hệ thống.
Chất lượng tài sản của TPBank có diễn biến tích cực, nợ xấu cuối quý 3/2021 của TPBank giảm 9,3% so với quý trước xuống 1.378 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,04% trong tổng dư nợ. Mức này, theo BVSC là tương đối ấn tượng.
Đáng chú ý, TPBank tiếp tục xóa nợ xấu gần 2.000 tỷ trong kỳ, nâng tổng mức xóa nợ 9 tháng đầu năm 2021 lên 2.666 tỷ đồng, tạo cơ hội cho ngân hàng ghi nhận thu nhập từ hoàn nhập khi nền kinh tế phục hồi.
Ngân hàng cũng tăng mạnh chí phí dự phòng trong quý 3 lên 1.345 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn ở mức khá vào cuối quý 3 (115,4%).
BVSC dự báo, lợi nhuận trước thuế năm 2021-2022 của TPBank sẽ lần lượt đạt 5.988 tỷ đồng (tăng 36,4%) và 7.539 tỷ đồng (tăng 25,9%).
Mới đây, TPBank cũng đã công bố việc áp dụng Basel III, được xem là bước nhảy vọt trong hệ thống ngân hàng Việt về áp dụng hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế.
Ngân hàng cho biết, nội tại của các tiêu chuẩn Basel xoay quanh hai chỉ tiêu quan trọng là vốn và thanh toán. Chuẩn mực càng cao đòi hỏi ngân hàng phải chuẩn bị lượng vốn càng dồi dào, chấp nhận một mức đệm dự phòng lớn hơn để giảm rủi ro trong hoạt động. Khi vốn bị giữ lại nhiều hơn để dự phòng, khả năng sinh lời sẽ bị ảnh hưởng.
Theo tính toán của TPBank, ngân hàng sẽ phải duy trì lượng vốn dự trữ nhiều hơn nhưng đổi lại sẽ đảm bảo thanh khoản, có đủ đệm vốn dự trữ chống chịu được các biến động bất thường của thị trường, đồng thời nâng cao được vị thế và uy tín cho ngân hàng, nhờ vậy, có thể dễ dàng tiếp cận thị trường vốn quốc tế.