Chiều 12/4, buổi hội thảo Giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu đã được Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) được tổ chức khi còn tròn một tuần nữa, TPB sẽ trở thành ngân hàng thứ 9 niêm yết trên HoSE. Sức nóng của nhóm cổ phiếu "vua" cùng câu chuyện trưởng thành của ngân hàng “trẻ tuổi” nhất Việt Nam là lý do khiến hội trường với quy mô hàng trăm người của khách sạn Lotte (Hà Nội) gần kín chỗ.
Ông Đỗ Anh Tú: 'Làm ngân hàng, ngày nào cũng phải từ chối nhiều cơ hội để quản trị được rủi ro'
Mở đầu buổi hội thảo, ông Đỗ Anh Tú - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), đồng thời là người từng gặt hái những thành công lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, đã có những trải lòng đầy tâm huyết về hơn 5 năm “toàn tâm toàn sức” trong một lĩnh vực mới.
Đầu tư vào ngân hàng thời điểm năm 2012 khi thu về khoản tiền lớn từ bán thương hiệu Diana hồi năm 2012 và… không biết làm gì, anh em ông Đỗ Minh Phú - Đỗ Anh Tú thay vì trở thành khách hàng đi gửi tiền đã quyết định góp vốn vào ngân hàng. 5 năm toàn tâm toàn sức theo ông là những ngày có “cơ hội và trải nghiệm chưa từng trải qua” đồng thời đã buộc ông “thay đổi cách tư duy” trong việc nhìn nhận cơ hội và rủi ro.
"Nếu như trước đây làm doanh nghiệp, chúng tôi tìm kiếm cơ hội và chấp nhận rủi ro, thì nay ngày nào cơ hội cũng được nhìn thấy nhưng vì rủi ro mà thường xuyên phải bỏ qua để đảm bảo từng đồng tiền của ngân hàng. Bởi tiền không phải tiền của chúng tôi mà là tiền của dân gửi quản lý và yêu cầu phát triển một cách tốt nhất”, ông Tú chia sẻ.
Do đó, vị này cho biết trong những ngày đầu, việc của ông không phải phát triển kinh doanh mà là kiểm soát rủi ro. Như ông chia sẻ, có tới 5.000 văn bản phải đọc, sửa chữa và xây dựng lại để đảm bảo 10 năm nữa không có sự chồng chèo, không thống nhất.
5 năm tái cơ cấu và thành tích tăng trưởng lợi nhuận bình quân 52%
Sau 5 năm nhìn lại, ông Tú cho biết bản thân mình cũng “ngạc nhiên”. Từ hoạt động kinh doanh đến con số tài chính cũng cho thấy sự tăng trưởng đáng “ngạc nhiên” này.
Báo cáo tại buổi hội thảo, Phó Tổng giám đốc Bùi Thị Thanh Hương cho biết ở riêng mảng bán lẻ, số lượng khách hàng bán lẻ tăng bình quân 50% trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2017. Ở lĩnh vực cho vay ôtô, TPBank vẫn đang đứng đầu về tốc độ tăng trưởng giải ngân. Họ cũng là nhà băng duy nhất được NHNN cho phép khách hàng đăng ký định danh (KYC) trực tuyến. Mô hình Live bank đang cho thấy hiệu quả khi có chi phí thấp (30% chi phí phục vụ tại chi nhánh thông thường).
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận (CAGR) đạt 52% năm trong giai đoạn 2012 – 2017 với lợi nhuận năm 2012 chỉ là 116 tỷ đồng tăng lên 1.206 tỷ đồng sau 5 năm tái cơ cấu.
Tỷ lệ nợ xấu theo bà Hương sẽ chỉ là 0,88% nếu không kể tới các khoản cho vay khách hàng có nợ xấu tại ngân hàng khác. Tỷ lệ nợ xấu 1,08% báo cáo cũng đã là mức trung bình thấp trong ngành ngân hàng. Sau giai đoạn vừa qua (giải quyết tổng cộng hơn 3.000 tỷ đồng lỗ luỹ kế và trích lập xử lý nợ xấu), bắt đầu từ năm 2018, TPBank đã trả cổ tức trở lại với tỷ lệ trên 8% và có thể thực hiện ngay trong quý II này.
Nói về hoạt động huy động vốn trong tương lai, bà Hương cho rằng TPBank có đủ tự tin để tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn hay giảm chi phí lãi suất đầu vào. Ở giai đoạn khó khăn trước đây, TPBank chấp nhận huy động vốn với mức lãi suất nhỉnh hơn thị trường nhưng điều này sẽ thay đổi tương lai và giúp nâng hệ số NIM ngân hàng. Cũng trong giai đoạn tái cơ cấu trước đây, TPBank được NHNN cho phép mức room tăng trưởng tín dụng cao hơn so với trung bình ngành nhưng thời gian tới mức room này có thể sẽ chỉ còn ở mức 20%.
Đề cập về cổ đông của ngân hàng, bà Hương cũng hé lộ việc SBI Ven Holdings, nhà đầu tư đang sở hữu 19,9% vốn, sẽ tiếp tục mua thêm trong đợt phát hành riêng lẻ chỉ để đảm bảo tỷ lệ sở hữu của họ không thay đổi. IFC bắt đầu đầu tư vào TPBank hồi năm 2016 khi giá trị sổ sách của ngân hàng khi đó chỉ khoảng 8.000 đồng/cp. Còn PYN đầu tư sau đó hơn một năm nhưng đã chấp nhận mức giá cao gấp đôi.
~~~~~~~~~~~~
Sau những chia sẻ của những lãnh đạo TPBank, hàng loạt câu hỏi đã được các nhà đầu tư gửi đến, tập trung vào hoạt động kinh doanh, xu hướng tỷ lệ chi phí/thu nhập, hoạt động cân đối nguồn vốn, phương án cổ tức, khả năng mở room...
Các nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi tới đơn vị tư vấn niêm yết CTCP Chứng khoán Sài gòn (SSI) về định giá cổ phiếu cùng nhận định về tiềm năng cổ phiếu dòng ngân hàng thời gian.
Nhà đầu tư: TPBank có ý định phát triển mảng tài chính tiêu dùng?
Ông Đỗ Anh Tú: TPBank sẽ có cho vay và chuẩn bị đến khi có được điều kiện đủ và hướng đến đối tượng trẻ. Bởi trong khi người có tuổi có tiền mà ngại tiêu tiền thì giới trẻ lại có nhu cầu vay tiền.
Hiện TPBank đã thành lập team để nghiên cứu. TPBank sẽ không chỉ dựa vào bảng lương mà còn dựa vào hành xử của khách hàng để cho vay. Muốn cho vay cần chuẩn bị nhiều thứ để có thể có được điều kiện đủ. Ngoài ra, nếu muốn tiết kiệm chi phí thì cần áp dụng công nghệ, AI, Bigdata... Điều mà TPBank hiện đã có sẵn là yếu tố về công nghệ.
Nhà đầu tư: TPBank có kế hoạch mở room nước ngoài?
Phó TGĐ Bùi Thị Thanh Hương: Sau phát hành riêng lẻ 15%, room thực tế của TPBank chỉ còn lại 0,77%. Cổ đông Nhật Bản SBI góp vốn TPBank từ 10 năm nay và đã tiếp tục mua thêm cổ phần trong đợt phát hành riêng lẻ để đảm bảo tỷ lệ sở hữu giữ nguyên ở mức 19,9%. IFC và PYN sở hữu 4,99%. Ở khía cạnh của ngân hàng, TPBank kỳ vọng Chính phủ sẽ mở rộng hơn cho sự tham gia của nhà ĐTNN vào ngành ngân hàng. Trong quá trình thẩm định chi tiết (due diligence), nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm thật sự đến cổ phiếu TPB.