Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng tại hội nghị - Ảnh HỮU HẠNH
Báo cáo tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết trong năm 2023 tới, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ tập trung giải quyết hồ sơ trên lĩnh vực đất đai và tháo gỡ đối với các dự án có sử dụng đất còn vướng mắc tồn tại trên địa bàn TP.
Đối với việc giải quyết hồ sơ đất đai, theo ông Thắng, hiện tại tổng số hồ sơ được giải quyết là 502.990 hồ sơ, bình quân mỗi tháng giải quyết 42.000, tỉ lệ đạt trễ hẹn chung 2,7%, tương ứng khoảng 14.000 hồ sơ.
"Dù tỉ lệ tương đối nhỏ nhưng số lượng hồ sơ rất lớn, cho thấy người dân vẫn còn rất bức xúc đối với các quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ của ngành. Ban giám đốc sở đã đặt ra 3 nhóm giải pháp để tập trung tháo gỡ trong năm 2023", ông Thắng nói.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã tham mưu cho UBND TP công bố đầy đủ bộ thủ tục lĩnh vực đất đai; ứng dụng phần mềm duyệt bản đồ đã được UBND TP tổ chức thí điểm để tiết kiệm thời gian đi lại của người dân; tăng cường kiểm tra giám sát đối với cán bộ công chức trong lĩnh vực này.
Năm 2022, sở đã tham mưu cho UBND giải quyết trên 133 dự án, trong đó giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thẩm định giá đất. Hiện TP còn 49 dự án tồn tại vướng mắc.
Sở đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để giải quyết, trong đó nổi bật là việc chủ động đề xuất các nội dung xin thí điểm trước khi sửa Luật đất đai để có cơ chế giải quyết các khó khăn hiện hữu.
Bồi thường, tái định cư vẫn luôn là "điểm nghẽn"
Trên địa bàn TP có 196 dự án đang thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Các vướng mắc chủ yếu như:
- Chưa thực hiện đầy đủ việc chuẩn bị đảm bảo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Thời gian thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn kéo dài.
Bên cạnh đó, việc khảo sát, điều tra, đo vẽ, kiểm đếm đất, nhà/công trình vật kiến trúc trên đất phải thực hiện cho từng trường hợp bị ảnh hưởng thu hồi đất nên khối lượng công việc rất lớn. Việc xác định pháp lý về sử dụng đất vẫn còn phức tạp và cần nhiều thời gian để hoàn thành.