TP.HCM hiện đang quy hoạch, kêu gọi, triển khai đầu tư nhiều khu dân cư văn minh hiện đại. Nhiều giải pháp xúc tiến đầu tư đang được xây dựng nhằm thúc đẩy việc kêu gọi đầu tư, hoàn thành việc xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy hoạch.
Về chủ trương lớn, hiện nay TP.HCM có 4 lĩnh vực mời gọi đầu tư. Thứ nhất là 474 chung cư cũ, cần chỉnh trang, xây dựng mới. Thứ hai, thúc đẩy đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sắp tới sẽ đưa 9 lô đất ra đấu thầu công khai. Thứ ba là dự án khu đô thị sáng tạo, tập trung phát triển công nghệ (thuộc các quận 2, 9 và Thủ Đức), vào tháng 5 tới, TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo về nội dung này. Thứ tư là dự án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh…
Trong đó, Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, đến hết năm 2017, đã chi trả bồi thường và giải phóng mặt bằng được 713,34/719,92ha (đạt 99,1%). Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm gồm đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính.
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc-Nam; triển khai dự án Cầu Thủ Thiêm 3, Cầu Thủ Thiêm 4 và cầu đi bộ theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tổng diện tích sàn xây dựng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng là 205.269m² (trong đó, diện tích nhà ở là 141.175m²; diện tích sàn thương mại là 8.059m²).
Khu đô thị mới Nam thành phố đã bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được 1.750ha/2.755ha (chiếm tỷ lệ 63,52%), diện tích đã san lấp mặt bằng khoảng 1.300ha/2.755ha (chiếm tỷ lệ 43%), đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh, mạng lưới giao thông chính bao gồm tuyến đường Nguyễn Văn Linh dài 17,8km, lộ giới 120m.
Các dự án trường đại học thuộc Khu chức năng số 3 đã triển khai xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng theo phân kỳ đầu tư. Hiện đang đầu tư xây dựng các khu dân cư và công trình công cộng trên diện tích khoảng 1.000ha/2.755ha (chiếm tỷ lệ 36%)...
Khu đô thị Tây Bắc giai đoạn 1 và 2 đang điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, đang lựa chọn đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch phân khu. Dự kiến tổ chức đấu thầu gói thầu xây lắp vào đầu năm 2018; đang chờ UBND TP.HCM phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án đường dọc Kênh 8; Dự án sửa chữa nâng cấp đường Tam Tân và xây dựng nút giao tại chân đường dẫn vào cầu An Hạ...
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, một trong những khó khăn lớn nhất để chỉnh trang, triển khai đầu tư các khu dân cư hiện đại là nguồn vốn và quỹ nhà tái định cư.
Theo định hướng kế hoạch tài chính, ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 vừa báo cáo Quốc hội, tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại giảm từ 23% xuống 18% cho giai đoạn 2017 - 2020 nên trong thời gian tới việc chi đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng chắc chắn sẽ bị cắt giảm. Đồng thời, kể từ tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới đã chấm dứt ODA ưu đãi với Việt Nam, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường.
Chủ trương chung của Thành ủy và UBND TP.HCM là huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị. Hiện nay, TP.HCM có 73 dự án BT đang triển khai, cần cân đối quỹ đất có giá trị khoảng 200.000 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư.