Một báo cáo mới được công bố bởi Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (Horea) cho thấy, trong những năm gần đây, thị trường bất động sản thành phố bị sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở.
Doanh nghiệp xây dựng cũng gặp khó
Đà sụt giảm này có thể thấy rõ qua từng năm như: Năm 2017, chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án, công nhận chủ đầu tư 44 dự án, chấp thuận đầu tư 83 dự án, cấp phép xây dựng 69 dự án nhà chung cư, thấp tầng.
Năm 2018, chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án, công nhận chủ đầu tư 19 dự án, chấp thuận đầu tư 59 dự án, cấp phép xây dựng 53 dự án.
Đến 9 tháng năm 2019, chấp thuận chủ trương đầu tư 1 dự án, giảm khoảng 83%. Không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư; chấp thuận đầu tư 12 dự án, giảm 72% và cấp phép xây dựng 24 dự án, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng theo HoREA, trong 9 tháng qua, ngoài các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm khoảng 30-50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp; các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập; các ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ; nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất và thị trường bất động sản có thể còn bị sụt giảm hơn nữa.
Mặc dù cho rằng tình thế khó khăn của bất động sản Tp.HCM chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, song theo HoREA, nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.
Thu ngân sách nhà nước từ đất dự án ngày càng sụt giảm
Về thu ngân sách, HoREA cho biết, năm 2018, thu ngân sách nhà nước của thành phố Hồ Chí Minh từ đất chỉ đạt 22.600 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,3% tổng thu nội địa, bị sụt giảm đến 16,8% và số thu từ tiền sử dụng đất dự án giảm đến 22,5% so với năm 2017.
9 tháng đầu năm 2019, theo số liệu của Bộ Tài nguyên Môi trường thì số thu ngân sách nhà nước từ đất đai của cả nước là 87.000 tỷ đồng, chiếm 10,5% thu ngân sách nội địa và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, 9 tháng đầu năm 2019, số thu từ tiền sử dụng đất dự án lại tiếp tục xu thế sụt giảm, chỉ thu được 9.861 tỷ đồng, giảm 18,26% so với cùng kỳ năm trước và chỉ còn chiếm tỷ trọng 3,9% tổng thu ngân sách nội địa. Số nợ tiền sử dụng đất của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2019 lên đến 1.072 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Tp.HCM sụt giảm, ách tắc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, chủ yếu do vướng mắc một số quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật thiếu thống nhất, đồng bộ dẫn đến vướng mắc, xung đột.
Thậm chí, công tác thực thi pháp luật đã xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ trong giải quyết công việc.
Bình luận về tình trạng này, chuyên gia Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đồng quan điểm khi cho rằng nguyên nhân dẫn đến thị trường chững lại, số lượng dự án ít hơn là do xung đột pháp lý.
Hiện nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, các doanh nghiệp, các chuyên gia, trong đó có ông Võ đã có nhiều báo cáo về các khoảng trống và các khoảng xung đột pháp luật có liên quan đến đầu tư dự án, đụng chạm tới rất nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…
"Tất cả có tới vài chục điểm bất cập trong nội bộ một luật, giữa các luật, giữa luật này với văn bản hướng dẫn thi hành luật khác, trái với cả Hiến pháp nữa. Các bất cập đã được doanh nghiệp kêu ca từ lâu, chuyên gia đã chỉ ra rất cụ thể, nhưng đến nay vẫn cứ vướng, cứ dừng lại và cứ bế tắc", ông Võ nói.
Cũng theo ông Võ, một lý do khác là nhiều cán bộ quản lý của Nhà nước "không muốn nhúc nhích", nhất là trong hoàn cảnh pháp luật chưa hoàn thiện. "Khuyết tật" này không phải do thị trường mà do các nhà quản lý", giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định.