Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, UBND TP.HCM đã chấp thuận bố trí vốn ngân sách TP.HCM thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư xây dựng đoạn 1 từ cầu Rạch Chiếc trên Vành đai phía Đông đến Xa Lộ Hà Nội, gồm nút giao thông Bình Thái và đoạn 2 từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng thuộc đường Vành đai 2 TP.HCM.
UBND TP.HCM cũng giao Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội triển khai công trình cấp nước theo hình thức di dời, tái lập đối với tuyến ống cấp nước và hầm van nằm trong phạm vi công trình hầm chui nút giao thông Trạm 2, quận 9 thuộc dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội.
Chi phí thực hiện sử dụng từ dự phòng phí của dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn, đảm bảo không làm tăng tổng mức đầu tư dự án được duyệt.
Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn cần thống nhất phương án kỹ thuật, yếu tố thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật trong hồ sơ tái bố trí, giám sát công tác thực hiện để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật tuyến ống cấp nước an toàn trong vận hành khai thác.
Tổ chức rà soát các tuyến ống cấp nước, các dự án liên quan trong phạm vi công trình này để có kế hoạch phối hợp thi công đồng bộ, tránh tiếp tục đào đường sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất ở để tính bồi thường, hỗ trợ của dự án mở rộng, nâng cấp đường Nguyễn Tư Nghiêm, phường Bình Trưng Tây, quận 2 là 4,49 và đất nông nghiệp là 26,31.
Đồng thời phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất ở hẻm xi măng đường Chuyên Dùng 9 để tính bồi thường, hỗ trợ của dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 tại phường Phú Mỹ, quận 7 là 12,166.
UBND TP.HCM cũng đã chấp thuận cho Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM thực hiện chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 3 huyện Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ trong năm 2018.
Trước đó, TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt gồm các dự án về giao thông cần thực hiện cấp bách để kéo giảm ùn tắc tại khu vực các cửa ngõ thành phố vốn đang là những điểm thường xuyên bị ùn tắc, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả thành phố và vùng phụ cận.
Cụ thể, các dự án cấp bách cần áp dụng cơ chế đặc thù để sớm hoàn thành tại khu Đông như các đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, từ nút giao An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh của dự án đường vành đai 2; các đoạn từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh và đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu công nghiệp Hiệp Phước thuộc đường trục Bắc – Nam; dự án cầu Thủ Thiêm 4...
Sau khi các dự án này được triển khai sẽ giúp khép kín tuyến đường Vành Đai 2 dài 69 km được xác định với lộ trình như sau: nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (QL 1, quận Thủ Đức) – nút giao thông cầu vượt Bình Phước (giao với QL 13) – nút giao thông An Sương (giao với QL 22) – ngã ba An Lập (quốc lộ 1 giao với đường Hồ Ngọc Lãm) – Phú Định – Nguyễn Văn Linh (giao với đường Trịnh Quang Nghị) – cầu Phú Mỹ – cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía Đông – ngã tư Bình Thái (trên xa lộ Hà Nội) – ngã ba Linh Đông (giao với đường Phạm Văn Đồng) – nút giao Gò Dưa...
Ngoài các dự án trên, TP.HCM cũng vừa có quyết định "hồi sinh" dự án Khu liên hợp Thể thao Rạch Chiếc tại trung tâm khu Đông (quận 2) có tổng vốn đầu tư 34.000 tỷ đồng, quy mô gần 500ha. Song song đó, dự án cây cầu trị giá 500 tỷ đồng nằm trên tuyến đường ven sông Sài Gòn vừa được khánh thành sẽ giúp kết nối khu vực Thạnh Mỹ lợi, khu Cát Lái, Quận 2 với trung tâm thành phố.
Ngoài cây cầu trên, trong thời gian tới khu vực này sẽ có 4 cây cầu sẽ được xây dựng (cầu số 5, số 9, số 12 và N4) tại Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. UBND TP.HCM cũng có quyết định đầu tư dự án mở rộng đường Tô Ngọc Vân lên 30m kết nối thẳng từ Xa lộ Hà Nội đến đại lộ Phạm Văn Đồng (Thủ Đức).