Ngày 7.12, tại kỳ họp thứ sáu HĐND TPHCM khóa IX, các đại biểu đã nhất trí thông qua tờ trình của UBND TP về chấp nhận chế độ hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị định 108 năm 2014 về chính sách tinh giản biên chế.
Thành phố sẽ có chính sách trợ cấp cho 2 nhóm. Một là cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và quận huyện đủ điều kiện thôi việc ngay. Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi thì tùy thuộc nhóm tuổi mà ngân sách thành phố sẽ trợ cấp thêm, căn cứ vào số năm nghỉ hưu trước tuổi, số năm công tác có đóng BHXH.
Nhóm hai là cán bộ thuộc Ban Thường vụ Thành ủy quản lý tự nguyện xin nghỉ công tác trước tuổi (nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc không thuộc diện tinh giản biên chế). Căn cứ vào độ tuổi và thời gian tham gia công tác có đóng BHXH, ngân sách thành phố sẽ trợ cấp thêm.
Các mức trợ cấp được UBND TP đề xuất gồm: Trợ cấp thêm ba tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng BHXH; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương hiện hưởng.
Đối với các đối tượng đủ điều kiện thôi việc ngay, được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm, trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH.
Nguồn chi trả trợ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp do ngân sách TP chi trả. Đối với cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị tự chủ tài chính do đơn vị chi trả.
Kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc đối với 1.062 người từ nay đến năm 2021 là hơn 380 tỉ đồng.