Bên cạnh việc rà soát để xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung, UBND TP.HCM chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm xây dựng tại các dự án nhà ở, từ đó làm cơ sở giải quyết việc cấp sổ hồng cho người mua nhà.
Xử lý dứt điểm dự án vi phạm xây dựng
Liên quan đến việc giải quyết các vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) cho người mua nhà tại các dự án nhà ở trên địa bàn, Văn phòng UBND TP.HCM vừa thông báo kết luận chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoà Bình.
Cụ thể, đối với các dự án nhà ở có phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khẩn trương, chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát.
Trên cơ sở đó sẽ xác định và hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung, làm cơ sở thực hiện thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà trong các dự án theo quy định.
Cư dân Saigon Gateway treo băng rôn kín cả chung cư |
Còn với các dự án nhà ở có vi phạm xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng TP.HCM chủ động phối hợp cùng Sở TN&MT và các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, xử lý dứt điểm để làm cơ sở cấp sổ hồng.
Thời gian qua, tại nhiều chung cư ở TP.HCM, việc chủ đầu tư chậm xúc tiến thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà đã dẫn đến những mâu thuẫn dai dẳng. Nhiều cư dân vì quá bức xúc nên đã căng băng rôn, phản đối như cư dân tại chung cư An Gia Star (Q.Bình Tân); chung cư Saigon Gateway, 4S Riverside Linh Đông (TP.Thủ Đức), chung cư Quốc Cường Gia Lai (Q.7)…
Hơn 37.000 căn nhà sắp có sổ hồng
Trước đó, ngày 9/11/2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoà Bình đã chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo về vướng mắc trong công tác cấp sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án nhà ở trên địa bàn.
Theo Sở TN&MT, toàn thành phố hiện có hơn 63.000 căn nhà chưa được cấp sổ hồng. Trong đó, có 37.421 căn hộ và nhà đất chưa được cấp sổ hồng tại những dự án đã có văn bản thẩm định để cấp sổ.
Trong số này có 29.423 căn chưa nộp hồ sơ. 7.998 căn đã được người mua hoặc chủ đầu tư nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố nhưng người mua đang thực hiện nghĩa vụ về thuế hoặc hồ sơ đang được rà soát.
Còn lại là những căn nhà tại các dự án đã đủ điều kiện cấp sổ hồng nhưng chưa có văn bản thẩm định. Các vướng mắc chủ yếu do xác định nguồn gốc đất, chủ đầu tư chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính bổ sung, vi phạm xây dựng, thanh kiểm tra…
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, mục tiêu từ nay đến tháng 12/2023, sở sẽ phối hợp với các sở, ngành và chủ đầu tư giải quyết việc cấp sổ hồng cho 37.421 căn nhà.
Cư dân căng băng rôn vì chủ đầu tư chậm xúc tiến thủ tục cấp sổ hồng. |
Đại diện một doanh nghiệp BĐS cho biết, công ty có 13 dự án tại TP.HCM nhưng tất cả đều chưa được cấp sổ hồng. Vướng mắc nằm ở khâu xác định tiền sử dụng đất. Có dự án được cho phép điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, phải nộp tiền sử dụng đất bổ sung.
“Chung cư đã bàn giao cho khách hàng được mấy năm nay nhưng cơ quan thẩm quyền vẫn chưa xác định được nghĩa vụ tài chính bổ sung. Công ty muốn nộp tiền tạm ứng trong thời gian chờ xác định tiền sử dụng đất bổ sung này để giải quyết cấp sổ hồng cho cư dân trước nhưng không được chấp nhận”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM đánh giá, vướng mắc lớn nhất trong thời gian qua liên quan đến việc cấp sổ hồng chính là tiền sử dụng đất.
Theo ông Châu, vừa qua, Hội đồng Thẩm định giá đất đã đề xuất UBND TP HCM về phương thức tính tiền sử dụng đất áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất. Nếu áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất thì việc tính tiền sử dụng đất sẽ chỉ còn 10 - 15 ngày làm việc chứ không phải tốn 3 – 5 năm như hiện nay.
“Ðiều này liên quan đến việc phải sửa đổi khoản 2 điều 18 Nghị định 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giá đất. Hiệp hội cũng đề xuất với Chính phủ giao quyền cho cấp tỉnh ban hành bảng giá đất phù hợp với điều kiện của địa phương và hệ số điều chỉnh giá đất”, ông Châu nói.
Anh Phương – Hồ Văn