Theo đó, Tổ Công tác có 14 thành viên, do Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp.HCM Lê Hòa Bình là thành viên thường trực. 12 thành viên còn lại của Tổ Công tác là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chủ tịch UBND 4 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Đồng Nai.
Tổ Công tác có nhiệm vụ rà soát phạm vi, quy mô đầu tư, phương án kỹ thuật, công nghệ, tổng mức đầu tư dự án, chi phí đầu tư xây dựng công trình; phân chia dự án thành phần và nội dung liên quan nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư. Tổ Công tác cũng đề xuất bố trí vốn ngân sách trung ương, địa phương và cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án.
Bên cạnh đó, Tổ Công tác có vai trò tham gia chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Trường hợp vượt thẩm quyền, Tổ Công tác báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tại cuộc họp trước đó, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là các dự án hạ tầng rất quan trọng, có ý nghĩa lớn, tạo bước đột phá về phát triển KT-XH, đô thị cho các địa phương vùng Đông Nam bộ.
Thủ tướng yêu cầu, với dự án đường vành đai 4 thủ đô Hà Nội, thành lập một tổ công tác do Chủ tịch UBND TP.Hà Nội làm tổ trưởng; với các dự án đường vành đai 3 và 4 Tp.HCM, thành lập một tổ công tác do Chủ tịch UBND TP.HCM làm tổ trưởng. Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương liên quan làm thành viên hai tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành.
Dự án vành đai 3 Tp.HCM là tuyến đường rất quan trọng kết nối các tỉnh thành, tạo động lực phát triển cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Liên tục nhiều cuộc làm việc giữa Chính phủ và địa phương thời gian qua với quyết tâm hoàn thành dự án này trước năm 2026.
Theo tiến độ đề ra, dự kiến tháng 2/2022 dự án đường vành đai 3 Tp.HCM sẽ được trình lên Chính phủ và đầu tháng 3/2022 trình lên các cấp có thẩm quyền.
Theo nghiên cứu, đường vành đai 3 dài hơn 91km. Giai đoạn 1 dự án có tổng mức đầu tư khoảng 83.290 tỉ đồng. Giai đoạn này dự án làm 4 làn xe cao tốc, 2 làn đường song hành hai bên và giải phóng một lần theo quy hoạch (8 làn xe, 2 đường song hành vỉa hè...).
Còn đường vành đai 4 Tp.HCM có chiều dài khoảng 200km, quy mô 6 - 8 làn xe, điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (Tp.HCM). Quy hoạch đặt ra tiến trình đầu tư đường vành đai 4 Tp.HCM trước năm 2030. Vào tháng 9/2021, Thủ tướng có văn bản đồng ý giao UBND Tp..HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường vành đai 4.