Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM vừa lấy ý kiến của các sở ban ngành về việc cho lò mổ thủ công với công suất 2.000 con/ngày của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Hóc Môn (Công ty thực phẩm Hóc Môn) hoạt động trở lại. Đây là 1 trong 6 doanh nghiệp được Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại.
Vào năm 2015, thay vì tập trung xây dựng nhà máy giết mổ hiện đại, Công ty thực phẩm Hóc Môn lại xây lò mổ thủ công không phép trong khu đất của nhà máy. Đến tháng 5/2016, lò mổ thủ công “chui” này bị UBND xã Xuân Thới Thượng đình chỉ thi công, buộc tháo dỡ. Sau đó, chủ lò mổ nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng cho hoạt động trở lại.
Việc xem xét cho lò mổ thủ công của Công ty thực phẩm Hóc Môn hoạt động trở lại dựa trên tình hình TP.HCM hiện nay thiếu nơi giết mổ, nhất là khi cơ sở Xuyên Á (huyện Củ Chi), nơi bị bắt quả tang có gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần chờ giết mổ, bị đình chỉ hoạt động từ đầu tháng 10 đến nay.
Tuy nhiên, việc xem xét cho lò mổ thủ công ở Hóc Môn hoạt động trở lại đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ các chủ lò mổ công nghiệp.
Việc lấy ý kiến cho phép lò mổ thủ công Xuân Thới Thượng hoạt động trở lại nhận phải sự phản ứng của các chủ nhà máy công nghiệp hiện đại.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, nếu cho lò mổ thủ công của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Hóc Môn hoạt động trở lại là đi ngược với chủ trương phát triển nhà máy giết mổ hiện đại của Thành phố. Sẽ rất bất công cho các chủ đầu tư lò mổ công nghiệp hiện đại vì họ đã bỏ vốn, thời gian đầu tư.
Đại diện Công ty An Hạ cho rằng, nếu các lò mổ thủ công được cho phép hoạt động thì doanh nghiệp sẽ không đầu tư nhà máy giết mổ hiện đại tại TP.HCM nữa và sẽ chuyển về tỉnh lân cận hoạt động.
Ông Bạch Đăng Quang, Phó giám đốc Hợp tác xã Tân Hiệp cho hay, việc cho phép lò mổ thủ công hoạt động sẽ tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, người tiêu dùng sẽ phải tiếp tục đối mặt với tình trạng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Theo ông Quang, điều này sẽ gây thiệt hại cho các chủ đầu tư lò mổ công nghiệp hiện đại và ông cũng sẽ xem xét lại phương án đầu tư nhà máy giết mổ đang triển khai.
Trong khi đó, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM giải thích, việc lấy ý kiến cho Công ty thực phẩm Hóc Môn hoạt động lò mổ thủ công trở lại là do Sở NN&PTNT để xuất và nếu được thì đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Tuy nhiên theo bà Phong Lan, chủ trương của thành phố là sẽ dần thay thế lò mổ thủ công bằng các nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại, do vậy khi thực hiện cần quyết liệt và tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp tham gia.