Thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, trong năm 2020, TP. HCM đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai cho 31 dự án với tổng số gần 17.000 căn. Trong đó phân khúc cao cấp chiếm 42,1%, trung cấp chiếm 56,9% và căn hộ bình dân chiếm 1%.
Riêng 6 tháng đầu năm 2021, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai cho 12 dự án với hơn 6.450 căn; trong đó, phân khúc cao cấp chiếm 55,9%, trung cấp chiếm 44,41% và không có căn hộ bình dân.
Thời gian gần đây, tình hình thị trường bất động sản TP.HCM có nhiều diễn biến phức tạp khi Công an thành phố đã khởi tố nhiều vụ lừa đảo liên quan đến dự án đất nền, phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch hay giá đất tăng nóng ở TP. Thủ Đức, huyện Củ Chi...
Theo Sở Xây dựng, hệ thống các quy định pháp luật còn bất cập, thiếu đồng bộ đã gây khó khăn trong việc đưa ra giải pháp ngăn chặn và xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản, tiềm ẩn nguy cơ hình thành những điểm nóng, phức tạp.
Cụ thể, có những dự án chưa hoàn thành thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã cho tiến hành đặt cọc, giữ chỗ, hứa mua hứa bán hoặc có trường hợp một căn hộ bán cho nhiều người. Nguyên nhân do quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành.
Hình thức huy động vốn cho nhà phát triển được quy định cụ thể tại Luật Nhà ở, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ nhằm bảo đảm năng lực của chủ đầu tư trong nhà phát triển nhà ở thương mại, hạn chế các chủ đầu tư yếu kém, huy động vốn tràn lan và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà.
Các trường hợp giao kết hợp đồng dưới các hình thức đặt cọc, giữ chỗ, đăng ký... được nhìn nhận là phù hợp với pháp luật về dân sự. Các chủ đầu tư hiện nay nhận tiền ứng trước, đặt cọc, thỏa thuận giữ chỗ cho khách hàng với số tiền rất lớn, có trường hợp chiếm 80% giá trị căn hộ.
Tuy nhiên, việc xác định mục đích sử dụng tiền đặt cọc của chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, không thuộc quyền thẩm quyền của Sở Xây dựng, gây khó khăn trong việc xử lý phạm vi đối với chủ đầu tư trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Do đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP. HCM chỉ đạo các sở ngành tăng cường công tác tuyên truyền, công khai thông tin pháp lý các dự án nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các hoạt động kinh doanh bất động sản trái pháp luật như: một căn hộ bán cho nhiều người; huy động vốn của khách hàng qua hình thức đặt cọc, giữ chỗ…
Đồng thời, kiến nghị công an TP. HCM theo dõi sát sự phát triển của thị trường bất động sản; điều tra, xử lý các đối tượng cung cấp thông tin sai sự thật về các dự án bất động sản, các chủ đầu tư hoạt động vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự… hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản
Dự báo 6 tháng cuối năm, Sở Xây dựng nhận định, vẫn có hoạt động và phát triển nhưng chậm lại và sẽ có điều chỉnh giải quyết sự lệch pha cung - cầu, hiện đang có xu hướng lệch về phía phân khúc bất động sản bình dân. Dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội và đầu tư vào thị trường, đặc biệt là TP.HCM.
Các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường bất động sản như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, chính sách tín dụng, sự phát triển lệch pha cung - cầu, sự gia tăng lớn của các nhà đầu tư thứ cấp và chính sách thuế đang được kiểm soát một cách có hiệu quả, cùng với ảnh hưởng nặng nề, suy giảm phát triển kinh tế do dịch COVID-19 nên thị trường khó có thể xảy ra tình trạng "bong bóng".