Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố báo cáo thị trường nhà ở năm 2021 và xu hướng năm 2022.
Theo đó, năm 2021, thành phố ghi nhận tổng số 14.443 căn nhà đủ điều kiện huy động vốn và được chào bán ra thị trường, trong đó căn hộ bình dân chiếm tỷ trọng 0%. Đây là năm đầu tiên kể từ giai đoạn bất động sản bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới (cột mốc là năm 2016 đến nay), nguồn cung căn hộ bình dân không có đại diện nào chào bán ra thị trường.
Ngược lại rổ hàng có đến 10.404 căn hộ cao cấp, hạng sang, siêu sang chiếm 73,98%, còn lại là nhà ở phân khúc trung cấp, chiếm 26,02%. Căn hộ bình dân theo báo cáo này, có giá bán trên dưới 25 triệu đồng một m2, chung cư trung cấp có giá bán 25-40 triệu đồng một m2 còn phân khúc nhà cao cấp - hạng sang và siêu sang, giá bán từ 40 triệu đồng một m2 đến hàng trăm triệu đồng một m2.
Không chỉ có căn hộ bình dân ngày càng khan hiếm, phân khúc thấp hơn là nhà ở xã hội tại TP.HCM cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân có thu nhập trung bình thấp tại đô thị.
HoREA cho biết, cơ cấu sản phẩm như năm 2021 cho thấy tình trạng lệch pha cung cầu nhà ở đang lên đến đỉnh điểm và ở mức báo động. Với trường hợp nhà ở vừa túi tiền dần biến mất trong khi nguy cơ thừa cung nhà ở giá cao đang hiển hiện, thị trường rơi vào tình trạng phát triển mất cân đối, thiếu bền vững.
Theo báo cáo tổng quan thị trường bất động sản TP.HCM quý IV/2021 của Savills Việt Nam, giá các căn hộ, dự án hạng C đang có giá bán lên đến 56,5 triệu đồng/m2 thông thủy, tăng 27% theo năm. Một số sản phẩm cũng đã tăng giá bán lên 11% theo quý do giá cao ở giai đoạn mới mở bán hoặc ở những căn hộ cuối của các dự án có tiến độ xây dựng tốt.
Các chuyên gia tại Savills lý giải nguyên nhân giá bán tăng cao là tình trạng sụt giảm nguồn cung nhà ở sơ cấp kéo dài trong nhiều năm qua, đặc biệt càng lao dốc mạnh do dịch bệnh.
Cụ thể, ở phân khúc căn hộ, mặc dù nhiều chủ đầu tư nhanh chóng mở bán, kinh doanh trở lại trong quý IV/2021, với 7.820 căn, tương đương mức tăng 160% theo quý nhưng giảm 31% theo năm.
Xét cả năm ngoái, tổng nguồn cung sơ cấp căn hộ tại TP.HCM chỉ đạt 11.700 căn, thấp nhất trong vòng 5 năm qua và giảm 54% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với nhu cầu lớn từ người mua nhà, tỷ lệ hấp thụ của dòng sản phẩm căn hộ vẫn đạt 81%, trong đó phân khúc hạng B dẫn đầu lượng giao dịch, chiếm 69% tổng giao dịch.
Quay trở lại với báo cáo của HoREA, hiệp hội này cho biết thêm về hoạt động chuyển nhượng dự án nhà ở, năm 2021 chỉ có 1 dự án được chuyển nhượng do vướng mắc bởi quy định bên chuyển nhượng phải có Giấy chứng nhận (sổ đỏ), nên rất khó khăn trong hoạt động chuyển nhượng dự án. Trong lúc, điều kiện chuyển nhượng dự án khác (không phải dự án bất động sản, nhà ở) thì được chuyển nhượng rất thông thoáng theo Luật Đầu tư, nhưng khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và điểm b khoản 1 Điều 194 Luật Đất đai 2013.
Hiệp hội cũng cảnh báo nạn sốt ảo, loạn giá đất đi đôi với hoạt động đầu cơ nhà đất xuất hiện trong năm 2021 và đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong 2 tháng đầu năm nay. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm xử lý kịp thời các đầu nậu, cò nhà đất (môi giới), doanh nghiệp tạo sốt ảo để trục lợi.
HoREA khuyến nghị năm 2022 cần thêm nhiều cơ chế chính sách để giám sát thị trường bất động sản; đồng thời khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền (có giá thành phù hợp với thu nhập đại đa số người dân) nhằm cân bằng thị trường, đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Dự báo về thị trường bất động sản năm 2022, HoREA nhận định có xu thế phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trên tất cả các phân khúc thị trường, nhưng chưa thể cải thiện được ngay nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại nhà ở vừa túi tiền do cần phải có thời gian để tiếp tục xây dựng bổ sung hệ thống cơ chế chính sách và do tác động của các quy định pháp luật có “độ trễ” và do đặc thù của quá trình đầu tư xây dựng dự án bất động sản để có sản phẩm nhà ở cũng có “độ trễ” (khoảng 18-24 tháng), nên nhìn tổng thể thị trường vẫn thiếu hụt nguồn cung nhà ở có giá phù hợp với thu nhập.