Tại Hội nghị đánh giá về tình hình đầu tư và xuất khẩu của TP.HCM vừa diễn ra, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết ưu điểm của TP là đầu tàu kinh tế, là địa phương có kim ngạch cao nhất.
Những năm đầu tỉ trọng xuất khẩu TP.HCM đóng góp hơn 50% kim ngạch xuất khẩu cả nước nhưng càng về sau này tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của TP giảm dần, chỉ còn khoảng 16%.
Hiện nay đã có sự vươn lên mạnh mẽ của các tỉnh, trong đó có Đồng Nai, Bình Dương giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá ổn định 10%-12%. Hai địa phương có sự đột phá là Bắc Ninh và Thái Nguyên. Hiện kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh gần bằng kim ngạch xuất khẩu của TP.
Chuyển hướng thị trường, phát triển hệ sinh thái logistics
Theo ông Hòa, qua đó cho thấy TP cần có sự chuyển hướng phát huy lợi thế cạnh tranh, cần nhận diện ra sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh so với khu vực. Kể cả so với nhà xuất khẩu khác ở các nước thì mới duy trì kim ngạch và vị trí hàng đầu.
Về thị trường xuất khẩu hiện TP tập trung vào 10 thị trường đóng góp trên 70% kim ngạch xuất khẩu của mình như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Dù Liên minh châu Âu là thị trường lớn nhưng kim ngạch xuất khẩu của TP vào thị trường này chưa tới 10%.
Khi Sở Công Thương làm đề án xuất khẩu, khảo sát từ các doanh nghiệp (DN) cho thấy thế mạnh của TP so với các tỉnh là sản xuất phát triển các sản phẩm phần mềm và nội dung số. Ước tính doanh số của sản phẩm này có thể đạt 3-4 tỉ USD/năm. Thời gian tới, nếu TP đầu tư đúng mức sản phẩm này sẽ là mũi nhọn đột phá lớn. Do đó, phát triển những sản phẩm trí tuệ, tập trung sản phẩm phần mềm nội dung số là định hướng TP cần quan tâm.
Bên cạnh chuyển dịch cơ cấu hàng hóa, TP cũng cần quan tâm hỗ trợ phát triển xuất khẩu, nâng cao năng lực cho xuất khẩu thì hoạt động logistics đang là điểm nghẽn cần được tháo gỡ.
TP đã giao Sở Công Thương xây dựng chiến lược để TP.HCM trở thành trung tâm logistics của cả khu vực. Cuối cùng quan trọng nhất vẫn là con người, nên sẽ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực mang tính chuyên sâu những chuyên ngành hẹp như chuyên viên logistic s, nhân viên công nghệ thông tin (CNTT) để khai thác dữ liệu dùng chung…
"Song song với đề án xuất khẩu, đề án chiến lược phát triển logistics còn có đề án hình thành các sàn giao dịch để đưa CNTT, chuyển từ giao dịch truyền thống sang hiện đại, cái này gắn với đề án đô thị thông minh. Phải làm đồng bộ nhiều giải pháp như vậy TP mới có khả năng giữ vững vị trí đầu tàu cả nước" - ông Hòa nói.
Thành phố cần có cơ chế hỗ trợ startup.
Cần cơ chế hỗ trợ startup
Cùng góp ý trên, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, cho biết hiện nay gia công xuất khẩu phần mềm của TP.HCM đang ở mức bán sức lao động nhiều hơn nên TP cần có cơ chế hỗ trợ cho những DN có được những sản phẩm xuất khẩu vì những sản phẩm này mang giá trị gia tăng cao trong tương lai.
Theo ông Tuấn, khi phối hợp cùng Sở KH&CN, hỗ trợ nhiều cho các startup thấy có một thực trạng là những sản phẩm có khả năng thương mại lớn, startup họ sang Singapore đầu tư. Nghịch lý nữa là các startup này quay lại làm những dự án cho DN Việt, có dự án cả triệu USD. Tiền lại được chuyển sang Singapore, Việt Nam bị thất thu thuế. Vì vậy, TP cần có cơ chế hỗ trợ cho startup.
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Thái Sơn, chia sẻ mỗi tỉnh đều có sản phẩm riêng như Đắk Lắk có cà phê, Cà Mau có tôm, An Giang có gạo… TP.HCM có con người, có cảng giống như Singapore nhưng Singapore không xuất khẩu thô, không xuất khẩu dệt may, da giày, lúa gạo mà xuất khẩu công nghệ cao. Song song đó, Singapore thu tiền cả thế giới về dịch vụ xuất khẩu.
"TP hãy nhìn Singapore sẽ lựa chọn xuất khẩu hay dịch vụ xuất khẩu-logistics, cái nào là trọng điểm. Do đó, hướng chủ lực của TP nên lựa chọn một sản phẩm không dùng nhiều lao động mà dùng nhiều chất xám. Chọn sản phẩm mang tính R&D (nghiên cứu và phát triển), thế mạnh riêng và cùng những nước có cùng xuất phát điểm cạnh tranh mới chiếm lĩnh được thị trường" - ông Anh góp ý.
Định hướng phát triển xuất khẩu TP đến năm 2030
Ông Hòa cho biết trong cơ cấu mặt hàng vẫn duy trì xuất khẩu những mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày… TP tập trung chuyển dịch vào sản xuất những sản phẩm công nghệ cao thông qua việc đầu tư ở các KCN, khu chế xuất. Đặc biệt, khi KCN cao mở rộng giai đoạn 2 sẽ tăng các sản phẩm kỹ thuật công nghệ cao.
TP có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản phẩm phần mềm và nội dung số, tạo ra những vườn ươm, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Tập trung thúc đẩy hoạt động dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như dịch vụ tài chính.
Đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế sẽ thu hút dòng vốn phục vụ đầu tư, phục vụ cho xuất khẩu, cũng như thúc đẩy dịch vụ khác phát triển.