Từ 10.4 có giá vận hành chung cư tối đa
Cụ thể, khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư vừa được UBND TP.HCM ban hành như sau: Nhà chung cư không có thang máy, mức tối thiểu là 500 đồng/m2 thông thủy/tháng; mức tối đa là 3.000 đồng/m2 thông thủy/tháng. Nhà chung cư có thang máy, mức tối thiểu là 1.500 đồng/m2 thông thủy/tháng; mức tối đa là 6.000 đồng/m2 thông thủy/tháng.
Mức giá trong khung giá quy định này chưa có các dịch vụ gia tăng (tắm hơi, bể bơi, internet, sân tennis, truyền hình cáp... hoặc các dịch vụ gia tăng khác) và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Khung giá này được áp dụng cho việc thu phí quản lý, vận hành nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM theo quy định tại điều 106 Luật Nhà ở.
Đồng thời, khung giá này cũng làm cơ sở để các bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở hoặc trong trường hợp có tranh chấp về giá dịch vụ giữa đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư với chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư;
Hoặc trường hợp không thỏa thuận được giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư giữa các chủ thể thì cũng áp dụng mức giá trong khung giá này.
Ngoài ra, khung giá này không áp dụng đối với nhà chung cư cũ thuộc sở hữu nhà nước mà chưa được cải tạo, xây dựng lại; nhà chung cư xã hội chỉ để học sinh, sinh viên và công nhân ở theo hình thức tập thể nhiều người trong một phòng; đã thống nhất về giá dịch vụ quản lý tại hội nghị nhà chung cư; đã có thỏa thuận chung về giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trong hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua căn hộ.
Trường hợp doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư được hỗ trợ giảm giá dịch vụ hoặc chung cư có các khoản thu kinh doanh dịch vụ từ các diện tích thuộc phần sở hữu chung thì phải được tính để bù đắp chi phí quản lý vận hành nhà chung cư nhằm giảm giá dịch vụ nhà chung cư và có thể thu kinh phí thấp hơn mức giá tối thiểu theo khung giá trên.
Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư không bao gồm kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, chi phí trông giữ xe, chi phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc và các chi phí dịch vụ khác phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
Phí quản lý là nguyên nhân xảy ra tranh chấp
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), toàn thành phố có 935 chung cư cao tầng thì đã có đến 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt phức tạp. Trong các tranh chấp thì vấn đề về quản lý sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư của các hộ dân nộp hàng tháng cũng là một trong những nan đề chính.
Cư dân chung cư Docklands phản đối mức phí quản lý cao.
Trên thực tế, sự gia tăng về số lượng nhà chung cư đã kéo theo không ít bất cập phát sinh trong quá trình vận hành và quản lý.
Đơn cử, chung cư Docklands (số 99 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phú, quận 7) gồm hai khối nhà cao 22 tầng và hai tầng hầm với 356 căn hộ. Ngay khi đưa vào sử dụng hồi quý 4/2014, cư dân và chủ đầu tư đã xảy ra tranh chấp chỗ để xe tầng hầm, tiền phí bảo trì 2% của cư dân cũng không được chủ đầu tư công khai, minh bạch... Ngoài ra, theo phản ánh của cư dân, phí quản lý của chung cư này là 14.300 đồng/m2, nhưng các dịch vụ mà ban quản lý mang lại chưa hợp lý.
Nguyên nhân chủ yếu của các tranh chấp là do Ban quản lý áp dụng mức phí quản lý vận hành không đúng quy định; sử dụng nguồn quỹ này không đúng mục đích; không công khai thu chi.
Tranh chấp xảy ra còn do Ban quản lý lạm dụng quyền hạn, chi sai nguyên tắc, chi tiêu vượt hạn mức quy định; tùy tiện nâng phí dịch vụ hoặc mâu thuẫn trong chính nội bộ Ban quản trị… Các mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến phần diện tích sở hữu chung, riêng; việc đóng góp, quản lý và sử dụng kinh phí vận hành, bảo trì, bảo hành có nhiều phản ánh nhất.