Thông tin được Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM nêu tại Tọa đàm về trao đổi, nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và tư nhân hóa báo chí do Bộ TT&TT và Hội Nhà báo tổ chức sáng nay (31/3).
Ông Từ Lương cho biết tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp là vấn đề nóng đã tồn tại kéo dài nhưng chưa biết xử lý từ đâu.
Tọa đàm về hình thức "báo hóa" trang tin điện tử, "báo hóa" tạp chí tổ chức trực tuyến đến nhiều điểm cầu
Ông Lương cũng thông tin thêm về hoạt động của các cơ quan báo chí. Theo đó, hiện TP.HCM có 159 cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn, 1.726 nhà báo có thẻ. "Về mặt bằng chung, các phóng viên cơ bản chấp hành tốt nhưng vẫn nổi lên các cơ quan thường trú, đại diện đặc biệt là khối tạp chí của các hội nghề nghiệp", ông Từ Lương đánh giá.Lấy ví dụ tại TP.HCM, ông Lương cho hay hiện địa phương này có khoảng 985 trang thông tin điện tử, trong đó 639 trang đang hoạt động và 349 trang đã dừng hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế rà soát, hiện nay có tới 1.389 trang đang hoạt động không có giấy phép. Theo đo kiểm, trong số này có 230 trang có lượt tương tác và người xem trên 2000 người/ngày. Phó Giám đốc Sở TT&TT cho hay năm 2022, TP.HCM sẽ tập trung giải quyết vấn đề này.
Năm 2021, Sở TT&TT mới xử lý 60 trường hợp, trong đó cơ bản hướng dẫn gọi nhắc nhở. Kết quả khoảng 60 triệu đồng xử lý vi phạm hành chính.
Lãnh đạo Sở TT&TT cũng đề xuất, bên cạnh hoạt động của mạng xã hội, trang thông tin điện tử, cơ quan quản lý quan tâm xem xét, rà soát, đánh giá tổng thể hoạt động của các chuyên trang, nhất là các trang có dấu hiệu liên kết và khoán trắng cho đối tác liên kết thực hiện nội dung. Đồng thời, có hướng dẫn, ban hành quy định về quy trình tác nghiệp riêng với các tạp chí để các địa phương biết, giám sát và quản lý vi phạm.