TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm, ảnh hưởng đến khu dân cư tập trung ven sông, ven biển và đến năm 2030 sẽ di dời 100% hộ dân ra khỏi nơi có nguy cơ cao sạt lở.
UBND TP.HCM vừa có quyết định về kế hoạch tổng thể trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn Thành phố đến năm 2030.
Trên cơ sở đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông và bờ biển, TP.HCM phấn đấu đến năm 2023 hoàn thành bản đồ hiện trạng sạt lở, công trình phòng, chống sạt lở trên địa bàn để giảm thiểu tác động, nguy cơ sạt lở.
Các khu dân cư ven sông, ven biển ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều phải được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sự cố.
Quản lý chặt việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, ven biển. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển. UBND TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 100% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Sự cố sạt lở bờ kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà, huyện Cần Giờ xảy ra vào năm 2018. |
Bên cạnh đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm, xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển.
Giải pháp trước mắt là cấp bách tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở đất và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển; khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, nhất là tại các khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở.
Song song đó, TP.HCM sẽ tăng cường quản lý vùng đất ven sông, ven biển, không để xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển làm tăng nguy cơ sạt lở, bị rủi ro do sạt lở. Yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về quản lý hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng.
Chương trình di dời nhà trên và ven kênh, rạch tại TP.HCM chưa đạt mục tiêu vì nhiều vướng mắc. |
Trong Chương trình Phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, UBND TP.HCM cho biết do yếu tố lịch sử, trên địa bàn Thành phố hiện còn hàng chục ngàn căn nhà trên và ven kênh, rạch. Hầu hết những căn nhà có kết cấu nhà sàn cọc gỗ, rồi dần thay bằng trụ bê tông. Bờ sông bị thu hẹp dần do nhà dân cơi nới.
Một số tuyến kênh, rạch ô nhiễm như rạch Hàng Bàng, rạch Văn Thánh, rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Xuyên Tâm, rạch Bàu Trâu… có quy mô giải toả và di dời khoảng 13.350 căn nhà.
Giai đoạn 3 của dự án cải tạo môi trường nước trên toàn tuyến Kênh Đôi – Kênh Tẻ qua Q.4, Q.7 và Q.8 sẽ giải toả hơn 7.000 căn nhà.
Các tuyến kênh rạch đang thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường như tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, công viên hồ Khánh Hội giai đoạn 3 và 4… sẽ giải toả, di dời 304 căn nhà.
Số liệu thống kê, năm 2016, trên địa bàn TP.HCM có 21.851 căn nhà trên và ven kênh, rạch thuộc 61 dự án và được phân thành 3 nhóm để giải quyết. Đến cuối năm 2019, Thành phố mới chỉ bồi thường và di dời 2.467 căn nhà, đạt tỷ lệ 12,34% so với kế hoạch đề ra.
Theo UBND TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến việc giải toả nhà ven kênh, rạch chưa đạt mục tiêu vì vướng mắc về cơ chế, chính sách bồi thường, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Công tác xác định ranh, lập chủ trương đầu tư công, phê duyệt dự án, phương án bồi thường… kéo dài.
Lĩnh vực quản lý dự án đầu tư, xây dựng chưa có quy định riêng cho các trường hợp thực hiện dự án chỉnh trang đô thị.
Ngoài ra, nguồn vốn của Thành phố dành cho chương trình chưa tương xứng với nhu cầu. Các dự án di dời nhà trên và ven kênh, rạch chưa thu hút nhà đầu tư do thiếu tính khả thi và hiệu quả, cần có những ưu đãi về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, quỹ đất thanh toán cũng như nguồn nhà đất để bố trí tái định cư.
Phương Anh Linh