Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, một số khu vực đất nền “sốt” giá, nguyên nhân đến từ thông tin quy hoạch dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật... Từ đó, giới đầu tư, đầu cơ tiến hành ôm đất thổi giá dù chưa biết dự án đó thực hiện tới đâu, có thực hiện hay không. Hậu quả, người mua chịu thiệt, quy hoạch các quận huyện bị phá nát.
"Hiện nay, do khan hiếm nguồn cung nên đang có dấu hiệu sốt giá đất nền quay trở lại ở khu vực vùng ven như quận 9, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè...", ông Châu nhấn mạnh.
Tháng 12/2016, bất động sản TP HCM có dấu hiệu chuyển hóa, trong đó phân khúc chung cư có dấu hiệu chững lại, giới đầu tư đổ xô vào thị trường đất nền và tạo nên cơn sốt ở phân khúc này. Khởi nguồn của cơn sốt đến từ khu Đông với thông tin TP.HCM sẽ xây dựng cây cầu Cát Lái nối quận 2 (TP HCM) qua huyện Nhơn Trạc (tỉnh Đồng Nai).
Ngay sau khi thông tin được đưa ra, thị trường bất động sản nơi đây bùng sốt, đỉnh điểm đến từ những trục đường chính như Đồng Văn Cống, tới những khu vực hẻo lánh như Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh (quận 9). Thời điểm đó, chỉ trong vòng một tuần, giá đất nền đã tăng khoảng 2 triệu đồng/m2 mà vẫn không có hàng để mua. Cơn sốt tạo ra “lốc xoáy” khi người dân treo cả biển bán đất nông nghiệp.
Sau đó, tới tháng 3/2017, cơn sốt đất nền sau đó lan sang khu vực huyện Bình Chánh, Nhà bè và tới tháng 5 ghi nhận ở tận huyện đảo Cần Giờ khi thông tin TP.HCM dự kiến xây dựng cây Cần Giờ nối trung tâm TP.HCM về huyện đảo này. Không dừng lại ở đó, cơn sốt đất nền cũng phủ sóng tới huyện Củ Chi, Hóc Môn với thông tin sẽ có tập đoàn đầu tư khu đô thị lớn tại huyện Củ Chi và xây dựng hàng loạt dự án giao thông kết nối.
Khảo sát tại thị trường tại khu vực quận 2, quận 9 cho thấy nhu cầu về đất nền để ở đang tiếp tục gia tăng, khiến giá cả liên tục “điều chỉnh”. Chẳng hạn, hồi đầu năm 2017, giá nền tại khu Thạnh Mỹ Lợi đã lên đến 30-70 triệu/m2, so với mức 20-40 triệu/m2 của năm 2015. Tương tự, giá đất tại khu dân cư nằm trên các tuyến đường quan trọng của quận 9 như vành đai 2, vành đai 3 cũng tăng mạnh và bền vững nhờ “đòn bẩy” hạ tầng.
Hay như khu vực xung quanh đường Nguyễn Xiển (quận 9) - nơi có một số dự án siêu đô thị sắp được triển khai giá đất cũng tăng khá mạnh. Đặc biệt, khi có thông tin TP.HCM ký quyết định đầu tư mở rộng và nâng cấp tuyến đường này lên 60m, kết nối trực tiếp với đường Nguyễn Duy Trình về hướng quận 2, giá đất lập tức "leo" lên một mức mới. Qua khảo sát tại một số sàn môi giới quanh khu vực này, so với đầu năm 2016, hiện nay giá nhà đất đang tăng từ 2-4 lần, khoảng 45-60 triệu đồng/m2.
Mới đây nhất, sau khi thành phố tổ chức khởi công dự án cây cầu 500 tỷ đồng nối từ đại lộ Mai Chí Thọ qua đảo Kim Cương thuộc phường Thành Mỹ Lợi, quận 2, lập tức giá đất ở đây tiếp tục tăng mạnh, có nơi đến hơn 40%. Điển hình như khu đất nằm cách UBND quận 2 khoảng 500m đang được chào bán với giá 25 tỷ đồng/300m2, tăng hơn 5 tỷ đồng so với một năm trước đây. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy một số người dân không muốn bán ngay đất của mình vì muốn nắm giữ chờ giá lên trong thời gian tới.
“Rất nhiều người đến hỏi chúng tôi bán mà không cần phải mất thời gian thương lượng, đưa giá bao nhiêu họ mua bấy nhiêu. Nhưng chúng tôi đang cân nhắc vì khu vực này sắp tới nghe nói còn tăng nữa do nhiều dự án giao thông lớn sẽ được đầu tư mở rộng”, bà Nga – một người dân đang sinh sống tại đường Đồng Văn Cống, nói.
Nếu đi sâu hơn một chút, ngay nút giao Mỹ Thủy nằm cách phà Cát Lái khoảng 1km giá đất ở đây đang biến động. Phần lớn sản phẩm bán ra thị trường là những dự án cũ. Theo khảo sát, khu vực Mỹ Thủy đang có giá chào bán từ 45-60 triệu đồng/m2.
Savills Việt Nam dự báo, phân khúc biệt thự và nhà phố từ nay đến năm 2019 nguồn cung mới đạt gần 12.600 sản phẩm đất nền và nhà liên kế. Các quận phía Đông TP.HCM sẽ dẫn đầu thị trường và chiếm 50% thị phần. Việc một số khu vực đất nền sốt giá do tác động của hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật được cải thiện. Thậm chí, giá bán đất nền trong dân cũng luôn được điều chỉnh tăng giá bởi đất nền ngày càng khan hiếm.