“Các tiêu chí nêu ra trong hướng dẫn đối với việc tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật sẽ được áp dụng thống nhất cho 24 quận , huyện. Đồng thời việc lập quy hoạch 1/500 các khu vực được tách thửa sẽ giúp quản lý chặt quy hoạch và kiểm soát được việc tách thửa để không xảy ra những hệ lụy như trước đây” - ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ngay sau khi sở này ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định 60/2017 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP .
Siết chặt phân lô, tách thửa ẩu
. Phóng viên: Đã nhiều lần TP ban hành quyết định quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP nhưng lần đầu tiên có một hướng dẫn cụ thể để thực hiện quyết định này. Xin ông cho biết những bất cập trong quá trình thực hiện các quyết định tách thửa trước đó?
+ Ông Nguyễn Thanh Toàn: Các quyết định về tách thửa trước đây của UBND TP đã góp phần tạo cơ hội tạo lập nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn có nhiều bất cập, vướng mắc nên đã xảy ra không ít hệ lụy. Cụ thể như việc đầu nậu lợi dụng phân lô, tách thửa tràn lan, hạ tầng thiếu đồng bộ, phá vỡ quy hoạch và có cả những tiêu cực trong quá trình thực hiện.
Hơn nữa, trước đây các quận, huyện có cách hiểu và áp dụng quy định của pháp luật về tách thửa chưa thống nhất dẫn đến mỗi nơi làm một kiểu. Thậm chí có địa phương đã phải tạm thời ngừng giải quyết các hồ sơ xin tách thửa của người dân.
. Với Quyết định 60, ông có kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập vừa nêu?
+ Ban hành Quyết định 60, UBND TP yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ để quản lý tốt về mặt quy hoạch, không xảy ra những hệ lụy đáng tiếc như đã nêu trên. Cụ thể, Sở QHKT hướng dẫn về các điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nghiệm thu hệ thống hạ tầng, kỹ thuật đối với trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Sở Xây dựng hướng dẫn cấp phép xây dựng và kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định. Sở TN&MT ban hành quy chế chung giải quyết tách thửa và hướng dẫn quận, huyện tổ chức thực hiện. Sở Tư pháp hướng dẫn các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện đúng quy định tại quyết định này…
Có thể thấy việc thực hiện Quyết định 60 rất chặt chẽ, thống nhất từ trên xuống dưới, từ sở, ngành đến quận, huyện nên tôi tin sẽ khắc phục được những bất cập của việc tách thửa trước đây.
Với quyết định tách thửa mới thì những cách đầu nậu lách luật xây dựng những căn nhà tạm bợ như thế này để tách thửa sẽ chấm dứt. (Ảnh chụp tại một khu đất phân lô theo Quyết định 33/2014 ở đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9, TP.HCM) Ảnh: VIỆT HOA
Nhiều trường hợp phải lập quy hoạch 1/500
. Một điểm đáng lưu ý trong hướng dẫn của Sở là quận, huyện phải lập quy hoạch 1/500 cho các khu vực được tách thửa. Việc này sẽ được tiến hành như thế nào?
+ Trước hết, các quận, huyện phải nhanh chóng rà soát trong các đồ án quy hoạch 1/2000 để chọn ra những khu vực có chức năng quy hoạch là đất dân cư hiện hữu, dân cư hiện hữu kết hợp chỉnh trang, dân cư xây dựng mới hoặc đất quy hoạch hỗn hợp có chức năng ở. Từ đó lập kế hoạch thực hiện để chuyển về Sở QHKT cùng phối hợp thực hiện việc lập quy hoạch chi tiết 1/500. Chậm nhất trong quý II, các quận, huyện phải gửi kế hoạch này cho Sở QHKT.
. Việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự kiến khi nào hoàn tất? Trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch này thì hồ sơ tách thửa của người dân sẽ giải quyết như thế nào?
+ Việc hoàn tất các đồ án quy hoạch 1/500 còn tùy vào việc lập kế hoạch và kết quả rà soát của các địa phương. Cần lưu ý là đối với các hồ sơ xin tách thửa mà có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật thì mới phải làm 1/500. Còn với các khu đất nhỏ, nằm trong khu dân cư hiện hữu, kết hợp chỉnh trang mà đã có hạ tầng giao thông thì không phải thực hiện 1/500. Các hồ sơ thuộc diện này quận, huyện vẫn giải quyết bình thường theo hướng dẫn của Sở.
Đối với các trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông thì trong thời gian chờ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch 1/500 các quận, huyện vẫn giải quyết cho dân nhưng phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở QHKT. Sở QHKT sẽ có ý kiến trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được công văn của quận, huyện.
. Việc phải mất thêm 15 ngày để Sở QHKT xem xét có kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, dẫn đến người dân phải chờ đợi lâu hơn?
+ Theo nhận định, số lượng hồ sơ tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật sẽ không nhiều, chủ yếu là tại khu vực ngoại thành và vùng ven. Nếu có dấu hiệu quá tải, Sở sẽ phối hợp với các địa phương tìm giải pháp hợp lý để vẫn đảm bảo thời gian giải quyết hồ sơ cho dân. Sở QHKT đang soạn thảo quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của quận, huyện chuyển lên.
. Theo Quyết định 60 thì đất dân cư xây dựng mới không được tách thửa. Vậy tại sao vẫn cho lập quy hoạch 1/500?
+ Đúng là những trường hợp này không được tách thửa. Tuy nhiên, căn cứ vào Quyết định 60 thì các khu đất có chức năng quy hoạch là đất dân cư xây dựng mới hoặc đất hỗn hợp có chức năng ở mà sau ba năm không thực hiện quy hoạch theo kế hoạch của các quận, huyện đưa ra thì người dân có quyền tách thửa. Do đó, Sở cũng yêu cầu các địa phương rà soát, lập quy hoạch 1/500 để nếu Nhà nước không thực hiện quy hoạch thì người dân có thể nộp hồ sơ xin tách thửa.
. Xin cám ơn ông.
Văn bản của Sở QHKT hướng dẫn chung cho 24 quận, huyện và sẽ thực hiện đồng bộ, thống nhất trên toàn TP. Điều này không chỉ thuận lợi cho việc quản lý quy hoạch của các địa phương mà cũng rất thuận lợi cho người dân. Tránh được trường hợp mỗi địa phương làm một kiểu như trước đây. Đồng thời các tiêu chí cũng rất rõ ràng, cụ thể, dễ dàng áp dụng.
Việc lập quy hoạch 1/500 sẽ giúp cho vấn đề quản lý quy hoạch và sử dụng đất tốt hơn. Tuy nhiên, một vấn đề cần xem xét là trường hợp người dân có nhu cầu tách thửa có hình thành đường giao thông nhiều thì cũng đồng nghĩa với việc hồ sơ sẽ quá tải khi lên Sở QHKT.
Ông NGUYỄN GIA THÁI BÌNH,
Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân