Theo đó, cầu tàu Ba Son (bao gồm cầu tàu H, cầu tàu K, cầu tàu L) nằm bên bờ phải sông Sài Gòn thuộc địa phận phường Bến Nghé, quận 1. Cầu tàu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có chiều dài khoảng 377,8m. Toàn bộ 3 cầu tàu H, K, L nằm tiếp giáp Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son do Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Phát triển Thiên Niên Kỷ làm chủ đầu tư.
Hiện nay, cầu tàu này đã ngừng các hoạt động khai thác cảng biển. Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Phát triển Thiên Niên Kỷ đã đề xuất được chuyển đổi công năng toàn bộ cầu tàu Ba Son (377,8m) hiện hữu thành bến thủy để các phương tiện thủy (tàu khách nước ngoài, tàu du thuyền, phương tiện thủy nội địa...) ra vào, neo đậu đưa rước hành khách du lịch.
Từ đó, UBND TP.HCM đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải xem xét cho chuyển đổi công năng cầu tàu Ba Son (gồm cầu tàu H, K, L với chiều dài 377,8m) để tiếp nhận các tàu khách nước ngoài, du thuyền, phương tiện thủy nội địa phục vụ du lịch đường thủy của Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Phát triển Thiên Niên Kỷ phù hợp với định hướng phát triển vận tải hành khách gắn với du lịch đường thủy của thành phố, phù hợp với định hướng quy hoạch Khu trung tâm hiện hữu thành phố.
Mặt khác, nhằm phát huy lợi thế và khai thác tiềm năng về vận tải khách du lịch đường thủy trên tuyến sông Sài Gòn, đồng thời tận dụng các cơ sở hạ tầng cầu tàu hiện có để đáp ứng như cầu hành khách du lịch bằng đường thủy hiện nay, phát triển vận tải hành khách gắn với du lịch bằng đường thủy, giảm áp lực giao thông đường bộ.
Theo UBND TP.HCM nếu được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chuyển đổi công năng cầu tàu Ba Son hiện hữu thành bến đường thủy, UBND TP.HCM sẽ chỉ đạo Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Phát triển Thiên Niên Kỷ đề xuất phương án cải tạo cầu tàu hiện hữu, bổ sung một số hạng mục công trình phụ trợ (trên bờ); trình UBND TP.HCM quy chế quản lý khai thác phù hợp với quy hoạch, đảm bảo mỹ quan, kết nối giao thông thuận lợi, an toàn.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Công viên bến Bạch Đằng, thuộc một phần phường Bến Nghé và phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 với quy mô khoảng 18 ha. Theo đó, toàn bộ mặt đường Tôn Đức Thắng hiện tại sẽ là công viên, đường đi bộ. Ở giữa Công trường Mê Linh sẽ có một vườn trũng bố trí các cửa hàng bán lẻ, quán cà-phê, nhà hàng chung quanh. Ở tầng trệt của quảng trường có hơn 50% diện tích cây xanh che phủ, xây đài phun nước.
Giữa Công trường Mê Linh và sông Sài Gòn có ba trạm xe buýt, trạm LRT và trạm ta-xi thủy. Vị trí chợ phiên dự kiến được bố trí từ nhà điều hành bến tàu cánh ngầm hiện tại đến khu vực nhà tròn với chiều dài khoảng 100 m, với nhiều gian hàng.
Khu vực này sẽ kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ thành chuỗi điểm đến cho người dân thành phố, khách du lịch mỗi cuối tuần. Khu vực từ nhà tròn đến tường ngăn cảng Ba Son sẽ bố trí bãi giữ xe.