Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP về bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, trong đó có đề cập về các dự án BOT trên địa bàn.
Theo Sở GTVT TPHCM, hiện nay các tuyến đường trục chính đô thị , cửa ngõ, kết nối với các tỉnh lân cận... đã được đầu tư và đang khai thác. Tuy nhiên, quy mô hiện hữu chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông và chưa được mở rộng theo lộ giới quy hoạch.
Trong bối cảnh khả năng cân đối ngân sách thành phố không thể đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng, Sở GTVT TPHCM đề xuất được áp dụng hình thức hợp đồng BOT đối với hệ thống đường bộ hiện hữu.
Sở GTVT đề xuất các dự án có thể xem xét gồm mở rộng Quốc lộ 1 (chia 3 đoạn tương ứng với 3 dự án) tổng mức đầu tư sơ bộ 12.876 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) khoảng 1.200 tỷ đồng; mở rộng Quốc lộ 13 hơn 12.190 tỷ đồng; dự án xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía nam nối ra đường Vành đai 3 khoảng 13.837 tỷ đồng; dự án mở rộng trục đường Bắc - Nam 54.204 tỷ đồng; xây dựng đường động lực (đường song song Quốc lộ 50) tổng vốn 3.816 tỷ đồng.
Nếu được thông qua cơ chế, TPHCM sẽ cần thu hút khoảng 100.000 tỷ đồng xã hội hóa để thực hiện 6 dự án trên theo hình thức hợp đồng BOT.
Sở GTVT cho rằng việc xem xét làm sáu dự án BOT nói trên không làm thay đổi thủ tục hành chính theo quy định do chỉ mở rộng đối tượng áp dụng hình thức hợp đồng BOT theo quy định của Luật PPP.
Phạm vi áp dụng nội dung cơ chế, chính sách chỉ xác định trên địa bàn TPHCM. Trường hợp cơ chế thí điểm được áp dụng hiệu quả trên địa bàn TPHCM sẽ là mô hình được nhân rộng và sẽ là cơ sở cập nhật, điều chỉnh đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư theo phương thức PPP.