UBND Tp.HCM vừa chấp thuận chủ trương chuyển chủ đầu tư hai dự án gồm xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 và Xây dựng hoàn thiện nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và cầu Rạch Đỉa (giai đoạn 3) từ Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC) sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.
UBND Tp.HCM cũng chấp thuận chủ trương chuyển chủ đầu tư dự án Bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ việc xây dựng hoàn thiện nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và cầu Rạch Đỉa (giai đoạn 3) từ Công ty IPC sang Ban Đền bù giải phóng mặt bằng quận 7 (thuộc UBND quận 7).
Năm 2015, UBND Tp.HCM đã giao Công ty IPC đầu tư xây dựng giai đoạn 1 dự án xây mới hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh đi ngầm qua khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 480m. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 839 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách.
Giai đoạn 2 sẽ hoàn chỉnh nút giao, làm thêm hai cầu vượt, hai hầm chui với kinh phí khoảng 1.780 tỷ đồng, trong đó 780 tỷ đồng chi phí xây dựng và 1.000 tỷ đồng cho việc giải phóng mặt bằng.
Trước đó, vào tháng 10/2018, Thanh tra Tp.HCM chỉ rõ nhiều vụ việc, sai phạm của Công ty IPC.
Tại dự án Xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Thanh tra Tp.HCM đánh giá, năng lực kinh nghiệm thực hiện, Công ty IPC chưa từng thực hiện dự án nào có quy mô vốn đầu tư và yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tương tự dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, với tổng mức đầu tư khoảng 3.834 tỉ đồng.
Cho nên, đến nay công ty vẫn chưa có biện pháp xử lý di dời các công trình ngầm phức tạp để thực hiện dự án, chưa chọn được đơn vị thi công công trình chính, điều này đã làm dự án chậm tiến độ. Thanh tra Thành phố cho rằng việc chọn Công ty IPC làm chủ đầu tư dự án là không phù hợp.
Về hoạt động huy động vốn, Thanh tra Thành phố cho rằng, trong quá trình hoạt động kinh doanh, Công ty IPC đã đạt nhiều lợi nhuận nhưng lại đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách và nhằm tạo quan hệ tín dụng với ngân hàng là không phù hợp, làm phát sinh khoản lãi vay hơn 8 tỷ đồng.
"Việc hoạch toán chi phí lãi vay không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh vào chi phí là không đúng", Thanh tra Tp.HCM chỉ rõ.