Bên cạnh nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, đô thị, UBND TP.HCM kiến nghị giao lĩnh vực quản lý vệ sinh môi trường, lấn chiếm lòng lề đường cho Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận, huyện.
UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về việc tiếp thu và giải trình bổ sung Đề án thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị (QLTTXDĐT) thuộc UBND quận, huyện trên địa bàn Thành phố.
Đội QLTTXDĐT thuộc UBND quận, huyện thí điểm thành lập trên cơ sở sáp nhập các Đội Thanh tra địa bàn quận, huyện thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị của UBND quận, huyện.
Mô hình Đội QLTTXDĐT đã được triển khai tại TP.Hà Nội, còn tại TP.HCM, tháng 12/2019 UBND Thành phố đã có công văn gửi Bộ Nội vụ và tờ trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án thí điểm thành lập đơn vị này.
Đầu tháng 7/2020 Bộ Nội vụ có công văn đề nghị UBND TP.HCM giải trình một số nội dung như sự cần thiết, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Đội QLTTXDĐT để đảm bảo tránh chồng chéo khi được thành lập.
Hàng loạt công trình vi phạm xây dựng đang chờ xử lý ở phường Thảo Điền, quận 2. |
Theo UBND TP.HCM, việc quản lý vệ sinh môi trường của Đội quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị quận, huyện là phát sinh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị. Trong quá trình rà soát, quản lý tình hình lấn chiếm lòng lề đường, giữ mỹ quan đô thị.
Ngoài ra, Đội quản lý trật tự đô thị còn được phân công làm nhiệm vụ quản lý liên quan đến vệ sinh môi trường, như kịp thời phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính trong việc xả rác bừa bãi, lấn chiếm lòng lề đường tại địa phương.
Riêng các vấn đề khác liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường trên địa bàn, xử lý ô nhiễm môi trường… thuộc chức năng, nhiệm vụ của Phòng TN&MT.
UBND TP.HCM cho rằng, về chức năng và phạm vi quản lý, Đội QLTTXDĐT sẽ là lực lượng tiếp nhận từ Thanh tra Sở Xây dựng (giữ nguyên chức năng của Thanh tra Sở Xây dựng) và Đội quản lý trật tự đô thị (giữ nguyên chức năng về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường lòng lề đường liên quan đến mỹ quan đô thị). Do đó, chức năng của Đội QLTTXDĐT sẽ không chồng chéo với chức năng của Phòng TN&MT.
Về cơ cấu tổ chức, Đội QLTTXDĐT sẽ gồm đội trưởng và 2 đội phó. Đối với các quận có trên 400.000 dân và huyện có trên 300.000 dân, bố trí không quá 3 đội phó.
Để đảm bảo chỉ tiêu biên chế công chức, Đội QLTTXDĐT sẽ tiếp nhận số lượng công chức, lao động hợp đồng cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của 24 Đội Thanh tra xây dựng địa bàn và Đội quản lý trật tự đô thị; đảm bảo không tăng thêm biên chế công chức.
Liên quan đến tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, tại cuộc họp báo cuối năm 2019, ông Lý Thanh Long – Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá, vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là tại những quận, huyện có tốc độ đô thị hoá nhanh.
Thống kê cho thấy, mỗi năm tại TP.HCM có hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được phát hiện và xử lý. Nếu như năm 2017 có 2.856 công trình (bình quân 7,8 vụ sai phạm/ngày) thì đến năm 2018 có 2.419 công trình (6,6 vụ vi phạm/ngày). 6 tháng đầu năm 2019 có 1.550 công trình, bình quân 8,5 vụ vi phạm/ngày, tăng 28% so với cùng ký năm 2018.
Các công trình vi phạm trật tự xây dựng phát sinh đến nay đang hình thành các khu dân cư và nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hoà Bình, việc nhiều công trình vi phạm xây dựng không phép, sai phép trong thời gian qua có nguyên nhân từ sự yếu kém trong công tác phối hợp giữa các đơn vị, trong đó có Thanh tra Sở Xây dựng và quản lý trật tự đô thị quận, huyện.
Để chấn chỉnh tình trạng này, bên cạnh kế hoạch liên tịch về tăng cường công tác phối hợp quản lý xây dựng giữa Sở Xây dựng và UBND quận, huyện, UBND TP.HCM đang trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập thí điểm Đội QLTTXDĐT.
Phương Anh Linh