Đây vẫn là bài toán nan giải của Tp.HCM trong những năm qua. Thực tế, nhu cầu về nhà ở của người dân là bức thiết, nhưng nhiều dự án nhà tái định cư lên đến hàng chục ngàn căn hộ lại bỏ không, gây lãng phí lớn cho xã hội.
Theo báo cáo số liệu kiểm kê và đánh giá tổng thể thực trạng, hiệu quả trong công tác quản lý quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, hiện TP.HCM có 11.370 nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư. Trong số này, có tới 9.173 căn hộ và 2.197 nền đất thuộc 161 dự án chưa sử dụng.
Để xử lý 11.370 nhà và đất tái định cư chưa sử dụng, Tp.HCM xác định chủ trương theo ba hướng. Thứ nhất, phân bổ cho quận, huyện để phục vụ tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích là 3.426 căn hộ và nền đất (2.396 căn và 1.030 nền). Thứ hai, bán đấu giá 5.063 căn hộ và nền đất (5.022 căn và 41 nền đất). Thứ ba, dự phòng 2.881 căn hộ và nền đất (1.755 căn và 1.126 nền) để phục vụ di dời người dân trong các trường hợp khẩn cấp, người dân sống trong chung cư hư hỏng nặng hoặc các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng cần thiết.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc đấu giá căn hộ tái định cư sẽ khó thành công nếu mức giá khởi điểm quá cao, chủ trương đấu giá trọn lô, thu tiền một lần cả ngàn căn hộ. Để không lặp lại vòng luẩn quẩn trong xử lý căn hộ tái định cư thì cần có sự thay đổi.
Theo ông Châu, Thành phố cần xác định giá khởi điểm đấu giá một cách hợp lý. Thứ hai là thành phố cần phải phân chia các lô đấu giá một cách hợp lý. Và thậm chí ngay cả chuyện bán đấu giá từng căn hộ cho người tiêu dùng.