Theo quy hoạch, dự án đường vành đai 3 đi qua địa phận các tỉnh, thành như Đồng Nai, TP.HCM, Long An, Bình Dương có chiều dài hơn 90km. Dự án đầu tư được chia làm 4 đoạn.
Đoạn 1 từ Nhơn Trạch - Tân Vạn - TPHCM có chiều dài hơn 30km với quy mô 4 làn xe giai đoạn 1 (tăng lên 8 làn xe giai đoạn 2).
Đoạn 2 từ Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16 km, hiện đang được tỉnh Bình Dương đầu tư.
Đoạn 3 từ Bình Chuẩn (Bình Dương) - quốc lộ 22 (TP.HCM) với chiều dài khoảng 17km, quy mô xây dựng là 6 làn xe.
Đoạn 4 từ quốc lộ 22 - đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có chiều dài gần 30km với quy mô 8 làn xe.
Xác định được tầm quan trọng của tuyến đường này, hiện nay các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ để triển khai dự án.
Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, cho biết các địa phương đang cùng đẩy nhanh tiến độ, phối hợp nhịp nhàng để xây dựng hoàn thành tuyến đường vành đai 3 trong thời gian sớm nhất. Tuyến đường này sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông đáng kể cho các tuyến đường chính, quốc lộ trong vùng, đặc biệt rất thuận tiện cho kết nối giao thương.
Được biết, giai đoạn 1 sẽ xây dựng từ ngã tư quận Thủ Đức (TP.HCM) đến TL 25B tại thị trấn Hiệp Phước, trung tâm huyện Nhơn Trạch với chiều dài khoảng 17km. Dự kiến sẽ khởi công trước đoạn 1A từ đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đến đường 25B. Đây là đoạn sử dụng vốn vay ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), đoạn 1B được đầu tư theo hình thức BOT sẽ đầu tư sau.
Theo đó, đoạn 1A dài gần 9km, trong đó 2km nằm trên địa phận TP.HCM, còn lại nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tuyến đường được thiết kế xây dựng mặt đường rộng hơn 20m cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng, gồm 190 triệu USD (tương đương 4.180 tỷ đồng) vay từ EDCF và gần 1.150 tỷ đồng vốn đối ứng của Việt Nam, trong đó tiền của tỉnh chi trả cho giải phóng mặt bằng trên 470 tỷ đồng.