Báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, nhờ dự báo được nhu cầu của người dân sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh nên các doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này.
Cụ thể, hệ thống siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường; hệ thống siêu thị Saigon Coop đã tăng 50% lượng hàng cung ứng cho hệ thống; hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 30 - 50% lượng hàng cung ứng cho thị trường.
Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với trước Tết, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.
Thực phẩm thiết yếu được bày bán khá dồi dào tại các siêu thị, giá ổn định như trước Tết.
Trao đổi nhanh với một số doanh nghiệp phân phối khác như hệ thống siêu thị Lotte Mart, hệ thống siêu thị Mega Market..., các doanh nghiệp cho biết nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm giá ổn định do chủ động hợp tác với nông dân và có nguồn hàng từ các tỉnh.
Bên cạnh việc cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống của người dân, các siêu thị cũng đã và đang làm việc với các nhà cung cấp khẩu trang (cả khẩu trang y tế và khẩu trang vải), nước sát khuẩn để tăng mạnh lượng cung cho thị trường.
Để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản xuất khẩu đang bị ùn ứ, hiện các siêu thị này cũng đang làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng bán và mở các đợt bán hàng cao điểm cho các mặt hàng như thanh long, dưa hấu trong hệ thống của mình (Big C dự kiến sẽ mở chiến dịch tiêu thụ 1.200 tấn thanh long; 2.000 - 3.000 tấn dưa hấu trên toàn hệ thống).
Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết trước nhu cầu mua sắm của khách hàng giữa mùa dịch, Saigon Co.op cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong thời điểm hiện tại, đồng thời liên kết cùng nhiều doanh nghiệp, nhà cung cấp giảm giá bán sâu hơn đối với nhiều mặt hàng thực phẩm, nhằm tạo điều kiện cho người dân có cơ hội mua sắm tích trữ.
Theo ông Huy, thực phẩm tươi sống được siêu thị Co.opmart và Co.opXtra áp dụng giảm giá 15% đến 20% đến 12/2/2020 vừa giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí, vừa có thể tính toán thay đổi thực đơn cho gia đình như: cá thu giảm 15%, chả cá thát lát giảm còn 210.000đ/kg, trứng cút giảm 15%, bắp cải thảo giảm 20%, khoai lang giảm 20%, cam sành giảm 15%, bưởi Năm Roi giảm 15% hay nhiều sản phẩm được sơ chế hay chế biến sẵn cũng được giảm giá hấp dẫn.
Có thể thấy, giá cả hầu hết thực phẩm tươi sống không tăng so với năm trước, thậm chí một số loại cá, thịt gà còn thấp hơn do siêu thị luân phiên giảm giá.
Ngoài ra, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra cũng áp dụng giảm giá cho các mặt hàng thực phẩm đóng gói có thể tích trữ lâu dài từ dầu ăn, gạo, mì nui, gia vị, bánh kẹo, nước giải khát, sữa tươi...
Riêng với mặt hàng mỳ gói, do tâm lí lo lắng mùa dịch bệnh nên lượng hàng bán ra tăng đột biến những ngày qua. Điều này được các doanh nghiệp chuyên sản xuất mỳ gói như Vina Acecook và Miliket xác nhận. Đặc biệt, Vina Acecook đưa ra thông tin sẵn sàng tài trợ mỳ gói miễn phí cho những nơi đang tổ chức công tác chống dịch nCoV như điểm cách ly, bệnh viện dã chiến….
Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM khuyến nghị các DN thường xuyên bổ sung hàng trên kệ, tránh gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương, để bảo đảm lượng lương thực, thực phẩm cho thị trường trước mắt các doanh nghiệp cần tập trung sản xuất cho quý I/2020.
Phó Giám đốc Sở Công thương đề nghị các đơn vị phân phối có kế hoạch dự trữ hàng hoá, cung ứng đầy đủ. Trong hệ thống siêu thị và cửa hàng, khi hàng trên kệ sắp hết phải bổ sung đầy đủ để người dân không hoang mang, lo lắng.
Đối với khẩu trang và nước rửa tay khô, Bộ Y tế và Bộ Công thương đã có kế hoạch hỗ trợ nhà sản xuất về nguồn nguyên liệu, dưới góc độ phân phối đề nghị các đơn vị chủ động đặt hàng với các nhà cung cấp, có thể chủ động nhập khẩu để cung ứng bên cạnh hàng nội địa để đa dạng hoá nguồn hàng, tránh tình trạng khan hiếm.
Bà Trang đề xuất các doanh nghiệp đồng loạt triển khai chương trình giảm giá hàng tiêu dùng lương thực, thực phẩm từ 10-15% trong tháng 2/2020. Đồng thời, các mặt hàng khác vẫn phải đảm bảo bán giá bình ổn.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã lên kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước. Tăng nguồn dự trữ hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm từ 30-50% tại các trung tâm thương mại; phối hợp phân phối, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử để giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm tiêu dùng tiền mặt qua đó giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh từ người sang người…