Doanh nghiệp cầu cứu vì vướng mắc pháp lý
Việc tập đoàn Novaland gửi đơn cầu cứu Bộ Xây dựng vì dự án đã đầu tư vào hơn 6.000 tỷ đồng bị đắp chiếu nhiều năm, một lần nữa cảnh báo về những rào cản cơ chế chính sách gây ảnh hưởng xấu đến thị trường BĐS.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, bộ đã nhận được đơn cầu cứu của tập đoàn Novaland và chuyển cho Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý đơn này ra sao, quan điểm của Bộ Xây dựng như thế nào về kiến nghị của doanh nghiệp hiện vẫn chưa có câu trả lời.
Nhiều dự án “đóng băng” vì việc thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) liên quan đến những sai phạm của một số cựu lãnh đạo thành phố và đến đất xen kẹt. Ảnh: T.L
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, đây mới chỉ là những trình bày của doanh nghiệp, Bộ Xây dựng chưa nắm được cụ thể hồ sơ vụ việc. Sắp tới, Bộ sẽ làm việc với địa phương trước khi nêu quan điểm và tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Ông Ninh cũng cho rằng, đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc, hồ sơ mà cơ quan quản lý phải xử lý hàng ngày nên sẽ không có ưu tiên hay trường hợp ngoại lệ hơn so với các vấn đề khác.
Theo các chuyên gia BĐS, không riêng Novaland, rất nhiều doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM trong suốt thời gian qua cũng gặp khó khăn do quá trình rà soát pháp lý. Trong đó, hầu hết các dự án “đóng băng” vì việc thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) liên quan đến những sai phạm của một số cựu lãnh đạo thành phố và đến đất xen kẹt (đất vườn, đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư nhưng chưa được công nhận là đất ở) do Nhà nước quản lý. Nếu không kịp thời phân định trách nhiệm các bên liên quan, tìm cách tháo gỡ nhanh thì thiệt hại cho các doanh nghiệp và người mua nhà rất lớn và hệ lụy với thị trường BĐS khó đong đếm được.
Nhận định về các vướng mắc của thị trường BĐS, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, những vướng mắc lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay vẫn là hệ thống các văn bản pháp lý chưa đồng bộ.
Theo ông Nam, hiện nay hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường BĐS, từ công tác đầu tư xây dựng, giao dịch đến quản lý sử dụng đều chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bất cập của cơ chế chính sách chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời.
Đặc biệt, những khó khăn về thủ tục hành chính và sức ép lớn từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới, trong đó có việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch bất động sản cũng giảm, trong khi nhu cầu về nhà ở vẫn còn rất lớn. Nếu tiếp diễn tình trạng này, trong tương lai gần, thị trường BĐS sẽ tiếp tục trầm lắng.
Để tháo gỡ vướng mắc, Bộ Xây dựng cho biết đã ghi nhận những phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội và hội ngành nghề để giải quyết các vấn đề theo thẩm quyền. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, bộ phải báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Hiện, các cơ quan này vẫn đang trong quá trình xem xét sửa đổi, điều chỉnh hệ thống luật, văn bản quy phạm pháp luật để tránh chồng chéo, trùng lặp, gỡ khó nhằm triển khai nhanh các dự án theo tiến độ, bao gồm: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…
Bộ Xây dựng cũng cho biết đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh” và đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS đảm bảo an sinh xã hội”.
Nếu được phê duyệt, đây sẽ là các căn cứ để quản lý, giám sát hiệu quả các hoạt động của thị trường BĐS.