Theo định hướng phát triển của TP.HCM, bên cạnh hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông bao gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức với Đại học quốc gia TP.HCM, Khu công nghệ cao TP.HCM, Công viên phần mềm Quang Trung, là hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tuy nhiên, hiện nay thành phố cũng giao các cơ quan chuyên môn, tham mưu nghiên cứu bổ sung hướng quy hoạch phát triển đô thị về khu vực hướng Tây Bắc. Theo đó, lộ trình chuyển đổi khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu đô thị hóa, phát triển kinh tế- xã hội của TP.HCM.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo trên, hướng phát triển Bắc, Tây Bắc gắn với các huyện Củ Chi, Hóc Môn , dọc Quốc lộ 22 – trục xuyên Á nối với tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Mặc dù chỉ là hướng phát triển phụ nhưng đây là địa bàn có vị trí rất thuận lợi và dễ dàng trong việc tiếp cận với Bình Dương, Tây Ninh, Long An cũng như các tỉnh khác của miền Đông và miền Tây.
Do đó, trong tương lai, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi rộng khoảng 6.000ha và một số khu đô thị tại địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn phát triển sẽ tạo đà kéo vùng Tây Bắc phát triển theo.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho biết thêm những người đã sinh sống ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM từ lâu đời không thể tin rằng có ngày khu vực này sẽ có được một diện mạo mới. Khi dự án quy hoạch hoàn thành, cư dân nơi đây sẽ thuận tiện hơn trong việc di chuyển, tiếp cận được nhiều tiện ích hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cũng theo ông Châu, hiện nay, đang có khoảng 1.200 dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn thành phố góp phần tích cực trong quá trình chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM, cũng như giải quyết nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân.
Theo HoREA, TP.HCM có cao độ thấp, chỉ từ 0,5m (Nhà Bè, Cần Giờ) đến khoảng 32m (đồi Long Bình, quận 9). Vùng trũng thấp của thành phố ở phía nam - tây nam - đông nam thuộc các quận, huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7, quận 8, quận 2, một phần quận 9; Vùng cao nằm ở phía bắc - đông bắc - tây bắc thuộc các quận, huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp, một phần quận Thủ Đức, quận 9.
Địa hình của thành phố thấp dần từ Bắc - Tây Bắc xuống Nam - Đông Nam - Tây Nam; hệ thống sông Sài Gòn theo chế độ bán nhật triều làm tăng thêm khó khăn cho việc thoát nước. Theo kịch bản, nếu nước biển dâng chỉ 0,5m thì TP.HCM cũng sẽ bị ngập rất nhiều khu vực.
Trong thời gian qua, thành phố đã phát triển rất mạnh về hướng biển, hướng Nam - Tây Nam - Đông Nam, nên vô hình chung đã tác động đến hướng thoát nước tự nhiên. Bên cạnh đó là việc quản lý chưa thật chặt chẽ hệ thống mốc cao độ, cốt san nền cũng là mặt còn hạn chế, cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước.
Để thành phố phát triển bền vững, Hiệp hội đề nghị điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển đô thị chủ đạo về vùng đất cao của thành phố, đó là khu vực Gia Định - Củ Chi cũ (một phần Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, nhất là khu vực quận 12, Hóc Môn, Củ Chi), mà thành phố đã có quy hoạch phát triển Khu đô thị - công nghiệp Tây Bắc trên địa bàn huyện Hóc Môn - Củ Chi với quy mô lên đến 9.000 ha.
Đặc biệt, ông Châu tiết lộ thêm rằng hiệp hội rất đồng tình với Tập đoàn Tuần Châu về ý tưởng xây dựng Đại lộ ven sông Sài Gòn vì chúng ta tận dụng được lợi thế là bãi bồi ven sông, cho nên chi phí giải phóng mặt bằng rất thấp. Bãi bồi đó nếu chúng ta làm con đường trên ven sông sẽ tạo điều kiện kè bờ, chống xói lở bờ sông, làm đẹp cho bờ sông Sài Gòn. Và điều quan trọng là nó tạo điều kiện cho mọi người dân đều có thể tiếp cận cảnh quan sông Sài Gòn vốn rất đẹp.
Điều quan trọng ý tưởng Đại lộ ven sông Sài Gòn nếu thành hiện thực nó tăng thêm tuyến giao thông trục chính về phía Tây Bắc TP.HCM, phá thế độc đạo của Quốc lộ 22 tức đường Xuyên Á hiện nay. Có đại lộ ven sông kết nối với Quốc lộ 22, phát triển cả vùng Tây Bắc của thành phố gồm quận Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi.
"Không những thế còn giúp phát triển khu vực huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Với việc kết nối Quốc lộ 22, Đại lộ ven sông Sài Gòn tạo điều kiện phát triển khu đô thị Tây Bắc thành phố 9.000ha đã quy hoạch hơn 15 năm nay mà chưa thực hiện được", ông Châu nói.
Theo đó, TP.HCM cũng phát triển được phía Đông Bắc Củ Chi, Hóc Môn và phát triển qua Bình Dương. Từ trung tâm thành phố đi lên điểm cuối đại lộ là khu vực Bến Súc, Củ Chi chỉ trong phạm vi mất 50- 60 phút, trong khi hiện tại mất 2 tiếng rưỡi.
Hiện nay, Tập đoàn Tuần Châu và các doanh nghiệp của HoREA thống nhất sẽ cùng nhau thực hiện khi được cấp thẩm quyền chấp thuận, rất mong lãnh đạo thành phố đồng ý, đề nghị với Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ bổ sung tuyến đại lộ ven sông này vào quy hoạch.
.Được biết, năm 2018, cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, tạo điều kiện cho thành phố chủ động xây dựng, phát triển, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, ngang tầm khu vực Đông Nam Á, phát triển bền vững, có chất lượng sống tốt, thân thiện môi trường, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xây dựng đô thị thông minh.
Để triển khai thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Quốc hội, UBND TP.HCM đã đưa ra 21 chương trình hành động cụ thể cần có sự tham gia của rất nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự đóng góp của các doanh nghiệp nhằm phát huy tối đa nguồn lực xã hội cho các chương trình này.