Theo đó, để thực hiện công tác phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu công viên khoa học và công nghệ (phường Long Phước, quận 9), UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chức năng quy hoạch sử dụng đất từ chức năng quy hoạch đất du lịch, di tích và danh thắng thành đất khu công viên khoa học và công nghệ.
Nội dung này sẽ được cập nhật vào điều chỉnh đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể tại Công văn số 136/TTg-CN ngày 1-2-2019.
Hiện UBND TPHCM đang thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công viên khoa học và công nghệ này.
Dự án Công viên khoa học và công nghệ TPHCM được xây dựng tại phường Phước Long (quận 9) với diện tích đất 197,2 ha. Mục tiêu của Dự án được xác định là trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành, là nhân tố mới, đi đầu về thúc đẩy năng lượng khoa học và công nghệ nội sinh.
Dự án có kinh phí đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hơn 800 tỷ đồng, rà phá bom mìn gần 8 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư hơn 13 tỷ đồng… Phần kinh phí còn lại dành để đầu tư, xây dựng các công trình, hạng mục của Dự án.
Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết, chủ đầu tư đang đề xuất những điều chỉnh lớn liên quan đến Dự án Công viên khoa học và công nghệ TP.HCM. Cụ thể, đề xuất điều chỉnh từ dự án đầu tư nhóm B sang dự án đầu tư nhóm A. Đề xuất tăng tổng mức đầu tư của Dự án hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch ban đầu, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là hơn 800 tỷ đồng, sau đó có điều chỉnh lên hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiếp tục có sự thay đổi các quy định của pháp luật nên đến nay, số kinh phí này đã lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, do đó, tổng mức đầu tư của Dự án cũng tăng lên, bởi vậy phải có những sự điều chỉnh cho phù hợp.
Dự án Công viên khoa học và công nghệ TPHCM ban đầu được xác định sẽ thu hút đầu tư 6 lĩnh vực gồm: công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin truyền thông; công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ vũ trụ cải thiện môi trường sống; năng lượng tái tạo; công nghệ sinh học chuyên ngành y sinh, thiết bị y tế; cơ điện tử và tự động hóa; công nghệ cao, tích hợp từ các nghiên cứu cơ bản về khoa học thông tin, sinh học, công nghệ nano, công nghệ môi trường đời sống, y sinh, sức khỏe.