Theo đó, Tp.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết ủy quyền cho UBND TP điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung TP tại một số khu vực trên địa bàn.
Cụ thể, gồm khu vực xung quanh nhà ga Metro theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng); một số khu vực như Khu đất 384,2ha thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn; Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao 380ha tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh; Khu công viên khoa học và công nghệ, phường Long Phước, Tp.Thủ Đức và các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp thiết…
Sau đó TP cập nhật vào quá trình lập, trình thẩm định và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP, bảo đảm tính đồng bộ, hài hòa và phù hợp với từng giai đoạn phát triển và không làm thay đổi quan điểm, định hướng của quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo lãnh đạo Tp.HCM, trong quá trình thực hiện công tác tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch, thực tiễn hầu như tất cả các đồ án quy hoạch chung TP, quy hoạch phân khu đều cần phải điều chỉnh để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và do các yếu tố tác động đến quá trình phát triển đô thị theo từng giai đoạn.
UBND Tp.HCM có trách nhiệm lập báo cáo về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị; tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng trực tiếp về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị; báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền thẩm định quy hoạch đô thị là Bộ Xây dựng.
Bộ Xây dựng thẩm định về căn cứ, điều kiện và nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố.
Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng là cơ quan thẩm định quy hoạch đô thị.
UBND TP có trách nhiệm cập nhật và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch những nội dung điều chỉnh.