Như báo báo của Sở GTVT Tp.HCM, dự án đường vành đai 3 được duyệt cách đây gần 10 năm (tháng 9/2011) nhưng đến nay vẫn chưa đi tới đâu. Con đường có tổng chiều dài khoảng 98,54 km đi qua địa phận Tp.HCM (quận 9 cũ, các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh) và đi qua các tỉnh Đồng Nai, Long An.
Với các khó khăn đã nhiều lần nêu, Sở GTVT kiến nghị cụ thể với dự án thành phần 1A (tỉnh lộ 25B - Dầu Giây) cần xem xét bố trí nguồn vốn trung ương đối với chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) tăng lên của dự án thành phần này. Còn dự án thành phần 1B (cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tới xa lộ Hà Nội), sở kiến nghị Bộ GTVT sớm tuyển chọn nhà đầu tư, triển khai khởi công trong quý 3/2021. Riêng các đoạn còn lại, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo triển khai hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, sở kiến nghị chỉ đạo Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam ưu tiên bố trí đủ vốn để thực hiện công tác bồi thường GPMB và khẩn trương thi công hoàn thành các đoạn đã có đủ mặt bằng.
Riêng dự án đường vành đai 4 có số vốn lên đến 100.000 tỉ đồng, được duyệt cách đây hơn 8 năm (tháng 4/2013), với chiều dài khoảng 198 km đi qua địa bàn các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Long An nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Vì vậy, ngành giao thông TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu toàn diện các nội dung về đường vành đai 4. Trong đó, nghiên cứu tổng thể phương án, quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông chính trong vùng. Đồng thời nghiên cứu, xem xét để có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho tuyến đường này.
Về tuyến metro số 1, theo Sở GTVT, hiện phát sinh vướng mắc trong việc xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương theo giá trị tiền yen hay tiền đồng? Cụ thể, tỉ giá quy đổi giữa loại đồng và yen cần chính xác để xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương.
Trên cơ sở tham mưu của Ban quản lý đường sắt đô thị Tp.HCM và Sở KH và ĐT, UBND TP đã có công văn ngày 19/3/2021 kiến nghị Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh xem xét, chấp thuận chủ trì một buổi làm việc với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài chính và lãnh đạo Bộ KH và ĐT tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm sự việc.
Với ga đường sắt Bình Triệu (quận Thủ Đức cũ) được duyệt cách đây tám năm, rộng 41 ha nhưng đến nay cũng vẫn giậm chân tại chỗ. Tại cuộc họp tháng 3/2021 giữa Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã cơ bản thống nhất xem xét triển khai thực hiện công tác bồi thường, tái định cư trong giai đoạn 2021-2025 để sớm xúc tiến kế hoạch đầu tư triển khai xây dựng ga theo quy hoạch. Vì vậy, Sở GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT sớm triển khai thực hiện theo nội dung đã thống nhất tại cuộc họp trên.
Một ga quan trọng khác là ga Thủ Thiêm (duyệt năm 2013) được xác định là ga đầu mối, bao gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Tp.HCM - sân bay Long Thành và các loại hình phương tiện giao thông công cộng khác (metro số 2, buýt nhanh BRT). Hiện nay hầu hết các tuyến đường kết nối với ga này đều đang "nằm trên giấy", đồng thời cơ quan chức năng cũng chưa thể xác định các giải pháp tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc, cảnh quan trên mặt đất và không gian xây dựng ngầm… làm cơ sở lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực nhà ga Thủ Thiêm.