Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có báo cáo tình hình triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với lĩnh vực vận tải hành khách trên địa bàn TP.
Theo Sở GTVT TP, tổng sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh thông qua các bến xe từ ngày 1/2 đến hết ngày 22/3 là 4.181.892 với 284.637 lượt xe phục vụ, giảm 14% lượt khách so với cùng kỳ năm 2019. Khối lượng vận chuyển hành khách công cộng thực hiện từ ngày 1/2 đến hết ngày 22/3 là 42.828.129 lượt hành khách, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2019.
Để giảm thiệt hại và hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch cúm Covid-19, Sở GTVT kiến nghị UBND TP chỉ đạo các tổ chức tài chính - tín dụng tại TP đang cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt vay vốn hoạt động xem xét có giải pháp phù hợp hỗ trợ trong việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, gia hạn thêm thời gian trả nợ gốc...
Về vận tải hành khách liên tỉnh, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan (Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn, các đơn vị bến xe,...) xem xét giảm các loại giá dịch vụ (chuyến xe không khách phải hủy chuyến) đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định đang hoạt động tại các bến xe khách trên địa bàn TP.
Theo Nghị định số 10 ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, taxi phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “xe hợp đồng”, “xe du lịch”, “xe taxi” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe.
Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, taxi đều gặp khó khăn khi sản lượng sụt giảm ngày càng nghiêm trọng dẫn đến doanh thu giảm theo. Do đó, Sở GTVT TP đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét lùi thời gian việc niêm yết cụm từ “xe hợp đồng”, “xe du lịch”, “xe taxi” làm bằng vật liệu phản quang nêu trên nhằm giảm chi phí tối đa cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, taxi.
Ngoài ra, theo Nghị định số 100 ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1, trong đó quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính (xử phạt bằng tiền, kèm hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng phù hiệu) trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với hành vi vi phạm như sau: sử dụng xe taxi chở hành khách không gắn hộp đèn với chữ “taxi” trên nóc xe và không niêm yết cụm từ “xe taxi” trên kính phía trước, kính phía sau xe theo quy định hoặc có gắn hộp đèn, có niêm yết cụm từ “xe taxi” nhưng không cố định, không đúng kích thước, không làm bằng vật liệu phản quang theo quy định; không có hoặc có số điện thoại giao dịch ghi trên xe không đúng với đăng ký của doanh nghiệp (hợp tác xã).
Sử dụng xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe kinh doanh vận tải khách du lịch không niêm yết cụm từ “xe hợp đồng” (đối với xe chở hành khách theo hợp đồng), cụm từ “xe du lịch” (đối với xe chở khách du lịch) trên kính phía trước, kính phía sau xe theo quy định hoặc có niêm yết cụm từ “xe hợp đồng”, cụm từ “xe du lịch” nhưng không cố định, không đúng kích thước, không làm bằng vật liệu phản quang theo quy định.
Theo đó, Sở GTVT TP đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an kiến nghị Chính phủ xem xét tạm dừng việc xử phạt đối với các hành vi nêu trên.