45 dự án, công trình tăng tốc hoàn thành trong năm 2021
Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất đô thị năm 2020 ước đạt khoảng 12%. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng do khó khăn về nguồn vốn đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng còn chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành các công trình, làm giảm hiệu quả đầu tư dự án, nhiều dự án đội vốn…
Trong số các dự án chậm triển khai do vướng bồi thường có khu vực Cảng hàng không Tân Sơn Nhất với các dự án như mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, đường Cộng Hoà, đường Trường Chinh, Tân Kỳ - Tân Quý…; khu vực cảng Cát Lái với các dự án nút giao Mỹ Thuỷ, đường Đỗ Xuân Hợp…Nhiều dự án trọng điểm khác không thể hoàn thành theo kế hoạch như dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Thủ Thiêm 2, nút giao thông Mỹ Thuỷ…
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Võ Khánh Hưng, với các giải pháp công trình, Sở sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm trong năm 2021 và các năm tiếp theo: "Đẩy mạnh các dự án công trình, ví dụ như dự án vành đai, các cầu kết nối các quận… Những công trình mang tính cấp bách, có thể thực hiện ngay dưới hình thức đảm bảo giao thông, duy tu sửa chữa thì phải thường xuyên theo dõi tình trạng để xử lý ngay."
Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) cho biết: Trong năm 2021 sẽ cố gắng hoàn thành và đưa vào sử dụng 45 dự án, gói thầu như: Dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, mở rộng đường Đồng Văn Cống, tuyến đường gom thuộc đường dẫn cao tốc TPHCM – Trung Lương, các gói thầu J và K của dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, giai đoạn 2… Ngoài ra, Ban Giao thông sẽ tập trung phát triển các dự án giao thông mới, trình phê duyệt và điều chỉnh 40 dự án, khởi công 17 gói thầu dự án, trong đó có các dự án quan trọng như phát triển giao thông xanh TPHCM; các dự án ở khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất như mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, cải tạo đường Cộng Hòa…
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết: năm 2021 là năm khởi đầu của các dự án mang tính chiến lược để có thể thay đổi cục diện giao thông TPHCM, trong đó có hai đoạn khép kín Vành đai 2, cao tốc TPHCM – Mộc Bài, hai cầu trong Khu đô thị Thủ Thiêm, mở rộng các cửa ngõ thành phố gồm Quốc lộ 50, Quốc lộ 22…
"Bên cạnh những dự án tập trung hoàn thành trong năm 2021 thì chúng ta cũng chuẩn bị các dự án mang tính chiến lược lâu dài trong 5 năm sắp để phục vụ người dân. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của chỉ đạo của lãnh đạo hành phố, của Sở GTVT TP và các sở, ngành liên quan; đặc biệt là sự đồng hành của lãnh đạo địa phương và người dân địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng thuận lợi, cố gắng đẩy nhanh tốc độ công trình để có thêm nhiều công trình phục vụ người dân.", ông Phúc cho biết.
Kỳ vọng vào metro số 1
Một trong những kỳ vọng lớn nhất của TPHCM trong đột phá về hạ tầng chính là tuyến metro đầu tiên của TP - tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Năm qua, dù phải đối mặt với đại dịch Covid-19 nhưng Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) cùng các nhà thầu vẫn nỗ lực đảm bảo tiến độ. Đầu tháng 10/2020, những toa tàu đầu tiên cập cảng Quận 4 và được đưa về depot Long Bình để lắp trên đường ray đã giúp cho người dân có một hình dung về loại hình di chuyển hiện đại này. Nhìn từ trên cao, tuyến metro số 1 đã thành hình với đường ray, các ga dọc theo tuyến; các ga Nhà hát thành phố, ga Ba Son... cũng đã dần hoàn thiện với những trang thiết bị hiện đại.
Mới đây, dự án tuyến metro số 1 có một số lùm xùm liên quan đến gối dầm…, việc kiểm tra và đánh giá tác động vẫn đang được các chuyên gia giao thông, các nhà khoa học và MAUR triển khai một cách thận trọng để có đánh giá chính xác nhất.
Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, năm 2020 dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng Ban đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, cố gắng đảm bảo các gói thầu thi công đồng bộ: "Dự án này có các gói thầu xây lắp và cơ điện nên phải có sự phối hợp đồng bộ trong thực hiên để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống không chỉ kết cấu mà còn thông tin tín hiệu, đầu máy toa xe cũng như việc tập trung quản lý khai thác trong quá trình vận hành tàu và các nhà ga."
Theo Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Đại học Việt Đức, không thành phố nào trên thế giới có 10 triệu dân trở lên mà không có giao thông công cộng phát triển, và xương sống của nó là metro. Kết hợp với mạng lưới metro phải là mạng lưới xe buýt và cần phải áp dụng công nghệ thông tin, được kết nối, sử dụng chung một loại vé, trả theo cụ thể quãng đường đã đi. Với phương tiện xe buýt, nếu muốn đáp ứng khoảng 20% - 30% nhu cầu đi lại thì cần tối thiểu 800 -1000 xe buýt/1 triệu dân, như thế TPHCM đang thiếu đến một nửa so với các đô thị khác ở châu Á.
Hiện TPHCM đã quy hoạch 8 tuyến metro, trong đó tuyến metro số 1 - tuyến đầu tiên đang dần hình thành mang lại nhiều hy vọng. Tuy nhiên, việc triển khai quá lâu và cần rút kinh nghiệm trong triển khai các tuyến tiếp theo. Theo Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, TPHCM cần tận dụng công nghệ thông tin, khai thác triệt để hạ tầng hiện hữu và quan trọng nhất là đẩy nhanh tiến độ, đưa metro số 1 vào vận hành càng sớm càng tốt: "Đường sắt đô thị không chỉ là bộ xương cho giao thông mà còn là bộ xương để định hình không gian phát triển đô thị. Các khu đô thị phải cần phát triển xung quanh và gần các nhà ga. Còn nếu phát triển tràn lan thì dù chúng ta có mở nhiều đường, nhiều làn đường thì cũng sẽ ùn tắc."
Năm 2021 là năm mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới. Vì thế, để giải quyết bài toán giao thông ở TPHCM trong tương lai thì việc triển khai ngay các giải pháp quyết liệt trong đầu tư vào hạ tầng giao thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng giao thông hiện hữu.