Thực tế trên được ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM nêu lên khi giải đáp những câu hỏi của phóng viên về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm tại buổi họp báo diễn ra chiều 28/4.
Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của thành phố diễn ra rất thấp, chỉ đạt 8%. Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó thành phố vừa phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch là vấn đề chính. Sau đại dịch, thành phố vẫn chưa kết nối lại hoàn toàn về chuỗi sản xuất và các hoạt động xây dựng, phát triển thị trường. Sự kết nối và phát triển mới chỉ bắt đầu có sự khởi sắc.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin tại buổi họp báo
Cùng với những khó khăn do dịch bệnh thì tình hình xung đột giữa Nga và Ukraina đã đẩy giá cả của các mặt hàng lên mức tăng đột biến. "Hiện nay, giá của hầu hết các mặt hàng, trong đó có xi măng, cát, đá, vận chuyển logistics, vận tải, lương thực, thực phẩm… đều tăng. Thực tế trên khiến lạm phát có tín hiệu bắt đầu” – ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, những khó khăn đang diễn ra khiến các nhà đầu tư băn khoăn, chưa có sự an tâm khi bắt tay vào giai đoạn phát triển bình thường mới. Bên cạnh đó, công tác đầu tư công trong giai đoạn hiện nay phải thực hiện thủ tục và bảo đảm tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc về nguồn lực đầu tư cho các giai đoạn từ 2021 đến 2023 để bố trí đầu tư công cho năm 2022.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp rà soát tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn từ những dự án chuyển tiếp của giai đoạn trước sang giai đoạn mới ở cấp độ quận huyện và thành phố nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và thứ tự ưu tiên. Sở đã tham mưu cho UBND TPHCM trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua các nghị quyết về trung hạn trên cơ sở rà soát, điều chỉnh nên dự báo sẽ mất rất nhiều thời gian.
Giá cả leo thang kéo theo lạm phát đang gây ra những khó khăn cho TPHCM trong giai đoạn phục hồi kinh tế |
Ông Tuấn dự báo đến cuối tháng 6/2022 thành phố sẽ giải ngân đạt khoảng 40%. Từ quý 2 đến cuối năm khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, nguồn đầu tư vào các chuỗi sản xuất đã ổn định và chặt chẽ tình hình kinh tế xã hội sẽ phát triển tốt với nhiều khởi sắc để giúp thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn và tạo đà cho những năm tiếp theo.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng lạm phát thời gian tới sẽ diễn biến như thế nào, ông Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi chưa thể dự báo được tình hình này. Yếu tố này là một trong những lý do ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố chứ không phải là tất cả. Trong khó khăn hiện nay, chính phủ đã đưa ra gói kích để phục hồi, ổn định phát triển kinh tế. Những chính sách tiền tệ và tài khóa được kỳ vọng sẽ sớm ổn định tình hình chung đặc biệt là giá cả trong điều kiện mới từ đó giúp tâm lý của nhà đầu tư ổn định theo”.
Về giải pháp của thành phố, hiện nay những thủ tục đầu tư cơ bản đã hoàn thiện, việc giải ngân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thời gian tới sẽ nhanh chóng hơn giúp việc đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng xúc tiến nhanh, bảo đảm kế hoạch đề ra. Lãnh đạo thành phố đang quan tâm hỗ trợ và nhận diện những vướng mắc từ chủ đầu tư và các sở ngành để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đây là những cơ sở được kỳ vọng sẽ giúp thành phố sớm ổn định và phát triển.