Thống kê của Sở Công Thương TP.HCM cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng năm 2020 đạt 387.568 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2020 đạt 68.457 tỷ đồng, giảm 22,8% so với tháng trước và giảm 34,2% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Người dân mua thực phẩm nhiều hơn trong mùa dịch Covid-19.
Mặc dù, trong tháng 4 có những ngày Lễ như Giỗ tổ Hùng Vương, nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhưng doanh thu từ thương mại, dịch vụ vẫn không có sự thay đổi đáng kể như các năm trước. Trong tháng này, chỉ có một điểm sáng đáng khích lệ là sự phát triển của những hoạt động giao dịch thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.
Cùng với đó, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ ăn uống... chủ động triển khai đa dạng chương trình khuyến mãi, kích cầu mua bán qua kênh điện thoại, đặt hàng qua website, apps... Các đơn vị kinh doanh cũng đẩy mạnh chính sách hỗ trợ giao hàng đến tận tay người tiêu dùng hoặc theo yêu cầu của khách hàng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng góp phần giúp đơn vị kinh doanh cải thiện được doanh thu trong tình hình sức mua trên thị trường sụt giảm do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Song song đó, đây cũng là thời điểm mang lại cơ hội cho doanh nghiệp, nhà bán lẻ tái cơ cấu lại khâu quản trị doanh nghiệp, tổ chức kênh phân phối, tiếp thị hàng hóa đa kênh...
Đơn cử, Saigon Co.op - chuỗi bán lẻ truyền thống hơn 30 năm từ cuối tháng 2 đã thông báo nhận các đơn đặt hàng mua sắm qua website, điện thoại, Zalo/Viber để phục vụ nhu cầu hạn chế mua sắm trực tiếp của người dân.
Trong hai tuần đầu của tháng 3, nhà bán lẻ này cho biết số đơn hàng qua các kênh trực tuyến đã tăng khoảng 10 lần so với trước đó, với hàng triệu lượt tương tác nhận được mỗi ngày. Trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, nhiều điểm bán lẻ thuộc Saigon Co.op liên tục nhận được đơn đặt hàng qua Zalo và điện thoại.
Tương tự, Lotte Mart cũng nhanh chân tung ra SpeedL - trang web mua sắm trực tuyến ngay đầu mùa dịch. Đại diện chuỗi bán lẻ này cho biết, từ sau Tết Nguyên đán lượng đơn hàng trực tuyến trên SpeedL tăng hơn 30% trong nhiều tuần liền.
Các nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh tại TP.HCM dự báo, trong thời gian tới nếu diễn biến mới của dịch Covid-19 theo xu hướng tích cực và người dân trở lại đời sống sinh hoạt bình thường thì có thể thị trường tiêu dùng sẽ phục hồi và hàng hóa sẽ ổn định cả về chất lượng, giá cả, cũng như nguồn cung.
Còn với thị trường tiêu dùng phức tạp như hiện nay, người dân cần thận trọng trong việc lựa chọn hàng hóa, kênh mua sắm và phương thức mua sắm tiện lợi nhưng đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro.
Đặc biệt, đối với kênh thương mại điện tử và phương thức mua sắm trực tuyến như qua điện thoại, mạng xã hội, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt... người tiêu dùng nên ưu tiên những thương hiệu, nhà bán lẻ uy tín để nhận được chất lượng phục vụ tốt, nhất là phát sinh trường hợp đổi trả hàng hóa.
Đồng thời, người tiêu dùng nên hình thành thói quen truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong mua sắm và tiêu dùng hàng hóa nội địa, cũng như nhập khẩu.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, ngành công thương TP.HCM đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường và yêu cầu doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bình ổn nói riêng bám sát tình hình cung - cầu hàng hóa theo kế hoạch và giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn. Trong số đó, đối với những mặt hàng thiết yếu phải chủ động tăng khả năng cung ứng và sản xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang cũng thông tin, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM và doanh nghiệp bình ổn thị trường đều đã lên phương án sẵn sàng cung ứng vượt 30 - 50% kế hoạch TP giao. Ngoài ra, nhiều hiệp hội doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.HCM cũng chủ động chuẩn bị, dự trữ nguồn nguyên liệu để duy trì sản xuất, cung ứng hàng hóa vượt kế hoạch đến hết năm 2020.
Theo báo cáo của Sở Tài chính TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của TP dù giảm so với tháng trước nhưng tăng 2,33% so với cùng kỳ năm 2019. Có 4/11 nhóm giảm so tháng trước gồm nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (giảm 0,11%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (giảm 1,22%); nhóm giao thông (giảm 15,52%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 0,26%). Bốn nhóm hàng tăng so tháng trước gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,65%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,18%); nhóm bưu chính viễn thông (tăng 0,01%); nhóm hàng hóa, dịch vụ khác (tăng 0,14%). Các nhóm còn lại không đổi so với tháng trước. |