Theo đó, với đơn giá đất thương mại dự kiến đấu giá là 15 triệu đồng/m2, Ban Giao thông lý giải trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, TP.HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên- Môi trường phối hợp với các địa phương nơi dự án đi qua khảo sát, tính toán sơ bộ đơn giá các khu đất dọc theo dự án, tối thiểu dự kiến 15 triệu đồng/m2. Đơn giá này chưa bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật- xã hội. Sau khi dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, quá trình triển khai dự án cùng với đầu tư các tuyến đường kết nối với các khu đất dọc theo dự án, lợi thế tiềm năng sẽ tăng lên và qua quá trình đấu giá thì giá trị các khu đất này sẽ tăng lên.
Về giá đền bù đất dân cư trong công tác giải phóng mặt bằng là 26 triệu đồng/m2, Ban cho biết mức hỗ trợ áp dụng tại thời điểm năm 2022, kinh phí đã bao gồm cả kinh phí dự kiến để xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giảm trừ các nút giao chưa xây dựng trong giai đoạn 1 và đã bao gồm dự phòng phí cho công tác này là 10%. Trong bước tiếp theo, TP.HCM sẽ thực hiện đo vẽ, kiểm kê, thẩm định giá, xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng quy định.
Về phương án huy động nguồn vốn và cân đối vốn, Ban Giao thông cho biết về vốn ngân sách địa phương, HĐND các địa phương đã rà soát nguồn vốn trung hạn, tập trung nguồn vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, trong đó có Vành đai 3. Vốn ngân sách địa phương tham gia dự án trong năm 2023- 2024 chủ yếu tập trung đối với TP.HCM (13.326 tỷ đồng) và Bình Dương (5.350 tỷ đồng). Hai địa phương này có điều kiện thu ngân sách nhà nước lớn, dự kiến huy động được nguồn thu khi phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19; trong trường hợp cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đảm bảo nguồn vốn cho dự án. Do đó sẽ hoàn toàn đảm bảo nguồn vốn cho dự án theo tiến độ đề ra.
Về hình thức đầu tư, Ban cho rằng quá trình nghiên cứu dự án đã xem xét các phương thức đầu tư PPP (Hợp đồng BOT) với nhiều kịch bản khác nhau, trong đó kịch bản khả thi nhất là đầu tư PPP phần đường cao tốc (không bao gồm giải phóng mặt bằng và đường song hành, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% đối với phần vốn đầu tư PPP) thì thời gian hoàn vốn là 29 năm; theo kinh nghiệm của Bộ Giao thông vận tải khi thực hiện các dự án theo phương thức PPP, với thời gian hoàn vốn kéo dài (29 năm) khó hấp dẫn nhà đầu tư.
Theo Ban Giao thông, Dự án Vành đai 3 TP.HCM là đường vành đai đô thị, đi qua các khu vực đô thị, khu dân cư và định hướng trong tương lai phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới, các trung tâm logistics, hệ thống cảng biển, ICD... Việc đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công, nhà nước tổ chức thu phí không có tính chất hoàn vốn đầu tư dự án như đầu tư theo hình thức PPP (không tính lợi nhuận cho nhà đầu tư, lãi vay,...) do đó sẽ chủ động về thời gian, giá vé phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của doanh nghiệp, người dân khi tham gia giao thông. Qua đó, sẽ tạo thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư đối với phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm logistics, ...
Được biết, trong tuần tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Vành đai 3 TP.HCM.