TP HCM là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong hơn 30 năm qua. Nhưng gần đây, nguồn vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào những ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố chững lại, quy mô đầu tư nhỏ, trung bình mỗi dự án chưa đến 1 triệu USD.
Thành phố vẫn tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến kêu gọi đầu tư và muốn đón những “đại bàng” với nguồn vốn lớn nhưng chưa được.
Nguồn vốn FDI vào những ngành công nghiệp trọng yếu của TP HCM đang chững lại. (Ảnh minh hoạ: KT)
|
Đầu năm 2019, một doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên sản xuất các thiết bị điện, điện tử đến các khu công nghiệp của TPHCM tìm khoảng 50 ha đất với ý định đầu tư lớn, nhưng không khu nào có sẵn diện tích đó nên doanh nghiệp tìm nơi khác.
Ban quản lý Các khu chế xuất TP HCM, khu công nghiệp (Hepza) cũng thừa nhận, nếu lúc này có một doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo và công nghệ cao cần vài mươi ha để đầu tư thì rất khó có sẵn. Vì diện tích đất cho thuê ở các khu công nghiệp của TP HCM giờ đã lấp đầy hơn 80%.
“Hiện nay, các quỹ đất có sẵn của các khu công nghiệp đã hình thành đang vướng về công tác đền bù, giải chậm, các mảnh đất không giải phóng liền mạch nên cản trở việc xây dựng cơ sở hạ tầng, kéo dài thời gian, tăng chi phí” - ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư, Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp, TP HCM nói.
Để có đất cho nhà đầu tư thì phải mở rộng các khu công nghiệp, mà chủ đầu tư xây dựng các khu công nghiệp ở TP HCM đang gặp khó ở khâu phải trả tiền thuê đất một lần. Còn các cơ quan chức năng của thành phố thì lúng túng trong việc xác định giá cho thuê đất trong 50 năm. Theo Luật đất đai, từ năm 2014 chủ đầu tư các khu công nghiệp nếu muốn cho thuê đất thu tiền 1 lần thì phải trả hết tiền thuê đất 1 lần cho nhà nước thay vì trả tiền thuê đất hàng năm.
Đến nay, các cơ quan có thẩm quyền của thành phố vẫn chưa xác định được giá cho thuê đất hoặc định ở mức rất cao khiến các khu công nghiệp ở thành phố mất tính cạnh tranh so với các tỉnh lân cận. Cụ thể như, Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2 với gần 600 ha, chủ đầu tư đã triển khai xây dựng hạ tầng từ năm 2013 và đã có quyết định cho thuê đất của thành phố từ năm 2016 nhưng đến nay thành phố chưa xác định được giá cho thuê. Giá đất cho thuê ở các khu công nghiệp của thành phố hiện nay từ 90-180 USD/m2.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho rằng: “Sắp tới trong quy thành phố tính toán lại ai là nhà đầu tư, chứ nhà đầu tư để công ty cổ phần vào đầu tư hạ tầng thì người ta phải tính toán hoàn vốn như thế nào nên giá đất cho thuê ở các khu công nghiệp nhà nước không can thiệp được. Vì vậy, khi quy hoạch phải tìm nhà đầu tư mang dáng dấp nhà nước thì mới thì giúp doanh nghiệp giảm chi phí thuê mặt sản xuất.”
Quỹ đất sạch ở các khu công nghiệp của TPHCM hiện nay rất hạn hẹp. (Ảnh minh hoạ: KT) |
Một hạn chế nữa trong thu hút đầu tư ở TP HCM là hệ thống giao thông kết nối giữa các khu công nghiệp, khu chế xuất với hệ thống cảng biển, cảng hàng không chưa thuận lợi, nhiều lúc ách tắc, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa và lưu thông…
“TP HCM hoàn thiện cơ sở hạ tầng để giao thông làm sao thông suốt thuận tiện vận chuyển một lượng lớn hàng hóa. Bên cạnh đó, việc di chuyển của con người cũng kiểm soát được thời gian, ví dụ như di chuyển từ điểm này để điểm khác có thể dự đoán được thời gian đừng để cho người hôm nay di chuyển khoảng cách đó mất 30 phút nhưng ngày hôm sau là mất rất nhiều thời gian” - ông Hirai -ShinJi, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM kiến nghị.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để thu hút các nhà đầu tư lớn vào TP HCM thì chính quyền phải giải quyết được vướng mắc về quỹ đất sạch và hạ tầng giao thông. TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TP HCM cho rằng, để phát triển nhanh quỹ đất sạch trong tương lai thành phố cần đẩy nhanh quy trình bồi thường, giải phóng mắt bằng, tái định cư… một cách chuyên nghiệp.
“Khâu then chốt hiện nay đang nằm ở vấn đề giao thông đô thị, nó nằm khâu ở các khâu dịch vụ logitics, cảng biển, trục giao thông nối liền giữa các trục giao thông, nối liền giữa các sản xuât, kinh doanh, khu công nghiệp với các cảng phải thông thoáng đó là vấn đề rất quan trọng trong thu hút đầu tư” - TS. Trần Hoàng Ngân nói.
Trước những hạn chế nêu trên, hiện nay TP HCM đang rà soát và chuyển mục đích sản xuất đất nông nghiệp sang đất sản xuất công nghiệp, dịch vụ, giao thông… nhất là quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp và đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Vì hiện nay, diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 50% diện tích đất của thành phố, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm chưa tới 1% GRDP của thành phố.
“Thành phố đẩy cách hành chính hoàn thiện môi trường đầu tư, thành phố đã làm rồi tiếp tục làm quyết liệt, làm sao sự hài lòng của doanh nghiệp phải đạt trên 90%. Thành phố đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở tầng giao thông từ nay đến năm 2025 vành đai 2, vành đai 3 và quản trị giao thông thông minh” - ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM yêu cầu.
6 tháng đầu năm 2019, các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP HCM chỉ thu hút đầu tư nước ngoài chưa được 1/3 kế hoạch năm và giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, TPHCM có 20 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích gần 5.300 ha, trong đó có 17 khu đang hoạt động, 3 khu còn lại sẽ xây dựng.
TP HCM có lợi thế về nguồn lực lao động, có cảng biển, cảng hàng không, là đầu mối kết nối giao thông trong khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh các tỉnh trong khu vực cũng đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông và có sẵn qũy đất sạch, giá đất cho thuê tốt thì khả năng các nhà đầu tư không chọn TP HCM làm bến đỗ là rất lớn./.