UBND TPHCM cũng giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo về xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông để trình UBND thành phố thông qua trong thời gian sớm nhất. Trong đó, lưu ý bổ sung nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận 2, 9 và Thủ Đức; nhất là xác định cụ thể thời gian, tiến độ thực hiện từng nội dung công việc.
UBND các quận 2, 9, Thủ Đức cập nhật nội dung liên quan đến khu đô thị vào văn kiện của Đảng, chính quyền và các đề án, chương trình đột phá phát triển hạ tầng TPHCM có liên quan để triển khai thực hiện đồng bộ.
Trước đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc xin chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 đối với 3 khu vực: Linh Trung, khu Tam Đa và khu Trường Thọ, nhằm sớm thực hiện các dự án trong Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM.
Theo đồ án của một công ty từ Mỹ (đơn vị được UBND thành phố trao giải nhất về ý tưởng quy hoạch khu đô thị này vào cuối năm ngoái), trọng điểm của khu đô thị sẽ bao gồm 6 trung tâm quan trọng, gồm: Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm; Khu Thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm Công nghệ cao Sài Gòn; Trung tâm Công nghệ giáo dục (ĐH Quốc gia TP); Khu Công nghệ sinh thái Tam Đa và Khu Đô thị tương lai Trường Thọ.
Để triển khai đồ án, đơn vị đoạt giải đề xuất thành lập cơ quan quản lý phát triển đô thị sáng tạo dưới mô hình công ty, chịu trách nhiệm phát triển dự án. Ngoài ra, các quận 2, 9 và Thủ Đức cần được tổ chức thống nhất thành một cơ quan hành chính duy nhất, theo mô hình chính quyền đô thị để điều phối phát triển.
Được biết, mới đây, UBND TPHCM đã giao Sở Giao thông vận tải hoàn chỉnh dự thảo Đề án "Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030"; trong đó thống kê số liệu và đánh giá toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến hệ thống giao thông vận tải TPHCM; dự báo và định hướng phát triển hệ thống giao thông vận tải trong tương lai theo hướng hiện đại, đồng bộ và thông suốt.
Sở cần định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy trở thành một trong những bộ phận chủ yếu của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và phải được đầu tư hoàn thiện để kết nối liên hoàn với giao thông đường bộ; thực hiện cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu trong khu vực nội thành; nhanh chóng hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh theo quy hoạch tại các huyện ngoại thành; nghiên cứu nhiều hình thức, chính sách huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; ưu tiên nguồn lực cho đầu tư khép kín các đường vành đai, các tuyến đường sắt đô thị, đường trên cao và hệ thống giao thông khu vực cửa ngõ TPHCM.
Về công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý điều hành giao thông; thực hiện phân cấp quản lý hiệu quả, khoa học; xây dựng cơ chế phối hợp với các tỉnh, các trung tâm lớn (cảng, logistic,...) trong công tác quản lý hạ tầng giao thông.
Sở cũng cần đề xuất các cơ chế, chính sách pháp luật để huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông TPHCM; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án giao thông trọng điếm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiện toàn lại các Ban Quản lý dự án quận-huyện.