Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực Q.2 (TP.HCM), có dự án Empire City trị giá 1,2 tỉ USD của liên doanh Keppel Land – Tiến Phước – Trần Thái – Gaw Capital Partners. Dự án đã mở bán thành công hơn 1.000 căn từ cuối 2016 tới 2017 và khả năng sẽ tiếp tục ra hàng những block tiếp theo trong năm 2018.
Điều đáng nói, hiện giá bán các căn hộ tại đây đã tăng lên nhanh chóng gần tới 4.000 USD/m2. Dự án này được thiết kế là tòa tháp 88 tầng, tương đương cao khoảng 333 m và được giới thiệu sẽ trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam một khi hoàn thành. Empire City có tổng diện tích 14,5 ha, gồm có phân khu căn hộ, thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê và không gian công cộng.
Khu Đông TP.HCM đặc biệt là Thủ Thiêm sẽ có sự góp mặt của nhiều thương hiệu bất động sản nước ngoài trong năm 2018. Ảnh: N.Vũ |
Một dự án khác có tên thương mại là Marina Bay Thủ Thiêm, trước đây thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM(CII). Cuối năm 2017, CII đã chọn Hong Kong Land (HKL) là đơn vị đối tác để cùng họ xây dựng hai dự án này. Với sự xuất hiện cái tên đình đám Hong Kong Land thông qua hình thức hợp tác, dự án này được dự kiến sẽ hoàn thiện xong pháp lý và giới thiệu ra thị trường trong năm 2018.
Chủ đầu tư Keppel Land đã rất thành công giai đoạn 1 dự án Palm City (Q.2), bao gồm khu căn hộ cao cấp Palm Heights và nhà phố Palm Residence, dự kiến trong năm 2018 tới, cũng sẽ tiếp tục mở bán Palm Garden thuộc giai đoạn 2 của dự án với quy mô 1.000 căn tại (Q.2) và triển khai dự án Saigon Sports City có quy mô 2.000 căn thuộc Q.2. Dự án này được Keppel Land ấp ủ từ lâu tại khu Bắc Rạch Chiếc.
CapitaLand dự báo cũng sẽ triển khai dự án Nhà Hàng Quân Cảng với quy mô 1.000 căn thuộc Q.Bình Thạnh. Hiện thông tin về lô đất này trên thị trường rất khan hiếm, song thông tin từ môi giới cho biết dự án này sẽ được thiết kế rất đẹp và bán giá cao hơn hẳn mặt bằng xung quanh.
Trong một diễn biến khác, theo Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/2, cả nước có 411 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,39 tỷ USD, bằng 68,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 2 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 3,34 tỷ USD, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 312,1 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong số 47 tỉnh thành được nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, TP.HCM là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 1,05 tỷ USD, chiếm 31,27 tổng vốn đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho rằng dòng vốn FDI tăng cao là tín hiệu tốt cho thị trường. Sự hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản.
Theo ông Châu, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản TP.HCM sẽ làm tăng tính cạnh tranh, cả lĩnh vực phân phối và phát triển, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng, người mua nhà khi các công ty luôn phải cạnh tranh lẫn nhau. Từ xu hướng này, buộc nhiều doanh nghiệp địa ốc nội địa phải tích cực tìm kiếm các giải pháp mới, không ngừng cải tiến hoạt động kinh doanh và sản phẩm.
Nguyên Vũ