Cùng với Đại lộ Nguyễn Văn Linh mở ra cửa ngõ thông thương miền Tây với trung tâm TP.HCM, tuyến Nguyễn Hữu Thọ được kỳ vọng là trục giao thông huyết mạch của khu Nam Sài Gòn. Là một phần của tuyến đường trục Bắc - Nam có điểm đầu là Quốc lộ 22 (An Sương) đến Hiệp Phước (Nhà Bè), đường Nguyễn Hữu Thọ bắt đầu từ cầu Kênh Tẻ băng qua đại lộ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm, sau đó nối tiếp bằng đường Nguyễn Văn Tạo kết nối với khu đô thị - công nghiệp Long Hậu (Cần Giuộc, Long An).
Hiện nay, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ có 4 làn xe và trong tương lai sẽ mở rộng lên 6-8 làn. Theo quy hoạch, dọc theo đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo sẽ có tuyến metro số 4 kết nối trực tiếp từ quận 12 đến chợ Bến Thành (quận 1). Nhà ga cuối của tuyến metro này nằm tại Khu đô thị - cảng Hiệp Phước tạo sự liên thông, kết nối thông suốt giữa khu Nam với trung tâm thành phố. TP.HCM cũng đã có kế hoạch đầu tư nâng cấp - mở rộng đường Nguyễn Văn Tạo. Khi đó, từ tuyến Nguyễn Hữu Thọ kết nối thông suốt với đường Nguyễn Văn Tạo sẽ hình thành nên một mạng lưới hạ tầng mới tại khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố.
Trước mắt, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự án có tổng mức đầu tư 2.620 tỷ đồng, giai đoạn 1 xây dựng hầm chui với số vốn khoảng 840 tỷ đồng dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Giai đoạn 2 dự kiến xong cuối năm 2022, sẽ hoàn chỉnh nút giao, làm thêm 2 cầu vượt, 2 hầm chui với kinh phí khoảng 1.780 tỷ đồng (780 tỷ đồng chi phí xây dựng và 1.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng). Ngoài ra, dự án cũng xây dựng trạm bơm và hệ thống thoát nước cho hầm, xây dựng đường nhánh rẽ trái cạnh hầm,…
Nút giao đường Nguyễn Văn Linh (Vành đai 2) và đường Nguyễn Hữu Thọ (đường trục Bắc - Nam của thành phố) là đầu mối giao thông quan trọng với lưu lượng phương tiện rất lớn. Đây là nút giao kết nối khu trung tâm thành phố tới khu đô thị mới Nam Sài Gòn; kết nối khu công nghiệp - cảng dọc hệ thống sông Soài Rạp với tuyến Vành đai 2, vận chuyển hàng hóa ra vào cảng đi các địa bàn của TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Tiếp theo đó, trong năm 2021 này, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai đầu tư nâng cấp và mở rộng tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn từ nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ kéo dài đến đường Nguyễn Văn Tạo (ngay khu đô thị cảng Hiệp Phước) kết nối đến tận khu công nghiệp Long Hậu (Cần Giuộc, Long An).
Tuyến đường Lê Văn Lương cũng được đầu tư mở rộng, xây mới thay thế 3 cây cầu sắt cũ kỹ bắc qua sông rạch, sẽ tạo thêm sức bật mới cho nền kinh tế - xã hội phát triển. Ngoài ra, kế hoạch công bố tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nhà Bè vừa qua nêu rõ, huyện sẽ chuẩn bị mặt bằng để xây dựng các công trình phục vụ tuyến metro số 4, đường 15B,...
Chưa kể, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã kết nối xuyên suốt với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thông qua đại lộ Võ Văn Kiệt và đại lộ Nguyễn Văn Linh. Trong năm 2021 này, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua các huyện Bến Lức, Cần Giuộc (Long An), huyện Bình Chánh, Cần Giờ (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) thông xe sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ rút ngắn thời gian rất nhiều.
Nhờ vị trí chiến lược, hai bên tuyến đường này đang bắt đầu quy tụ nhiều dự án bất động sản lớn, có thể kể đến như Sunrise City và Sunrise Riverside của Novaland, Dragon City của Phú Long, Hưng Phát Silver Star của Hưng Lộc Phát,...
Hay như mới đây dự án đất nền ven sông Hiep Phuoc Harbour View nằm trên đường Nguyễn Văn Tạo nối dài đang là tâm điểm tại khu vực phía Nam Sài Gòn. Được biết, dự án có pháp lý minh bạch, hạ tầng hoàn thiện đang được DKRA Vietnam giới thiệu ra thị trường với mức giá 1,49 tỉ đồng/nền, thanh toán trong vòng 18 tháng, chỉ 20% giá trị trong đợt đầu tiên.
Đại diện một doanh nghiệp đầu tư bất động sản tại TP.HCM cho rằng thị trường khu vực cảng Hiệp Phước nhiều năm qua không đột phá mạnh vì hạ tầng dẫn vào trung tâm không thông suốt. Do đó, nếu các cấp các ngành của TP.HCM và tỉnh Long An cùng giải quyết được vấn đề này hoặc triển khai những trung tâm tài chính mới ngay tại khu Nam, bất động sản khu vực này sẽ có động lực để chuyển mình.
"Thị trường khu Nam hiện khá yên ắng, không thể so sánh với khu Đông về số lượng dự án. Tuy nhiên, những dự án hạ tầng đang thi công sẽ giúp kết nối khu này vào các quận trung tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án nhà đất trong thời gian ngắn tới đây phát triển vượt bậc", vị này cho biết thêm.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, tiềm năng BĐS của khu vực này còn lớn và các dự án hạ tầng sẽ thúc đẩy phát triển hơn nữa trong tương lai. "Như tôi đã nhiều lần ý kiến, giao thông luôn đi đôi với lĩnh vực đất đai, phát triển bất động sản, vì vậy bài toán hạ tầng luôn cần được quan tâm. Vừa qua, khi Thủ tướng vào các tỉnh miền Nam, chúng tôi cũng kiến nghị tiếp tục triển khai nhiều dự án giao thông xuyên tâm, kết nối vùng và kết nối các cảng như cảng Hiệp Phước", ông Châu phân tích.