Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội của TP.HCM. Ảnh minh họa.
Theo đó, tổng sản phẩm GRDP trong 3 tháng đầu năm TP chỉ tăng 0,42% so với cùng kỳ (tăng hơn 7%). Mức tăng tăng trưởng của các ngành kinh tế thấp, giảm so với các kỳ năm trước. Trong đó, chịu tác động mạnh nhất là khu vực dịch vụ, giảm 1,2% so với cùng kỳ (tăng 7,7%). Khu vực này chiếm tỉ trọng 60,6% trong cơ cấu GRDP của TP.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức tăng trưởng GRDP thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Đặc biệt, khách quốc đến TP.HCM giảm 42,2%, lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng giảm 1% trong khi cùng kỳ tăng 6,24%, đây là ngành chiếm 18,7% GRDP của TP. Cả 2 khu vực dịch vụ và công nghiệp đã chiếm 79,3% tổng giá trị sản phẩm của TP, tác động mạnh đến việc GRDP của TP.HCM 3 tháng đầu năm chỉ tăng 0,42%.
Về số vốn doanh nghiệp đăng ký mới đã giảm 15,7% so với cùng kỳ và hơn 6.500 doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động. Thu hút FDI chỉ đạt 1,05 tỉ USD, giảm gần 33% so với cùng kỳ.Bên cạnh đó, việc thu ngân sách cũng gặp khó khăn khi chỉ đạt 88.241 tỉ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ. Tuy vậy, tỉ lệ đóng góp cho ngân sách quốc gia vẫn đạt 28% trong 3 tháng đầu năm.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định bước sang tháng 3/2020, tác động của dịch Covid-19 rõ hơn khi trung bình mỗi ngày làm việc chỉ thu được 947 tỉ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Chỉ đạt 57,9% so với mức thu trung bình của TP phải thu theo dự toán năm 2020 là 1.636 tỉ đồng/ngày mới đảm bảo dự toán ngân sách Trung ương giao cho TP.
“TP.HCM sẵn sàng chuyển sang “trạng thái mới” để tập trung phát triển kinh tế xã hội khi dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát. Có thể phát sinh ca mới nhưng không thành ổ dịch, không lây lan trong cộng đồng”, ông Phong nhấn mạnh.
Trong đó, TP.HCM sẽ xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế đến cuối năm 2020, có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, các lĩnh vực ưu tiên... để đảm bảo mức tăng trưởng. Ngoài ra, TP sẽ thực hiện hàng loạt giải pháp như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung kích cầu du lịch sau dịch, kiểm soát chặt chẽ thị trường, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ, đẩy mạnh tỉ lệ giải ngân đầu tư công...
Về công tác phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TP vẫn đang kiểm soát tốt tình hình. Tính đến sáng 10/4, trên địa bàn TP có 54 ca nhiễm Covid-19, đã điều trị khỏi 37 trường hợp, 17 ca còn lại đang điều trị với tiến triển sức khỏe tốt, không có trường hợp tử vong, không có trường hợp nhân viên y tế bị lây nhiễm và chỉ còn 600 trường hợp cách ly tập trung trên tổng số 12.000 người cách ly từ ban đầu.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, công tác phòng chống dịch diễn ra quyết liệt ngay từ đầu nên cũng như cả nước, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM được kiểm soát, không rơi vào “giai đoạn dịch tăng tốc” như một số nước. Hiện thành phố chỉ mới sử dụng 3,5% công suất giường bệnh để phục vụ công tác chống dịch Covid-19. “Chúng ta cũng chưa phải trải qua giai đoạn tăng tốc, nhưng không chủ quan mà cần phải làm quyết liệt hơn công tác chống dịch”, ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, với tình hình kiểm soát dịch tốt như hiện nay thì giữa tháng 5 có thể cho học sinh đi học trở lại. Đây cũng là thời điểm nghiên cứu cho sản xuất tăng tốc trở lại, phục hồi kinh tế.
Hiện TP.HCM kéo dài thời gian cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết 19/4, riêng học viên khối giáo dục nghề nghiệp nghỉ đến hết 3/5. Đồng thời, TP đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để học sinh, sinh viên đi học lại an toàn.