Theo đề án do UBND thành phố gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hôm 8/1, ngoài 22 địa điểm là các sân vận động, nhà thi đấu cần phải đầu tư nâng cấp hơn 200 tỉ đồng, TP.HCM sẽ phải hoàn thành 2 công trình lớn gồm Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng và nhiều công trình khác có vốn đầu tư 15.600 tỉ đồng để đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31).
Theo đó, từ nay đến năm 2021, TP.HCM sẽ tập trung xây dựng hoàn thành các công trình lớn gồm Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, với tổng vốn đầu tư 1.954 tỉ đồng theo hình thức đầu tư hợp đồng BT và dự kiến công trình này sẽ được khởi công đầu năm 2018, và hoàn thành cuối năm 2020.
Còn đối với Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc tại phường An Phú, quận 2 cũng đang được lên kế hoạch đầu tư với 12 hạng mục chính với tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng lên đến hơn 8.000 tỉ đồng. Hiện nay, để chủ động trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng và đảm bảo phù hợp với khả năng, tiến độ huy động vốn, TP.HCM dự kiến tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng toàn khu liên hợp hành tiểu dự án riêng và kêu gọi đầu tư theo từng hạng mục công trình.
Được biết, tại Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc TPHCM đã có chủ trương cho phép nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư xây dựng sân vận động 50.000 chỗ có đường chạy điền kinh tại Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc với kinh phí khoảng 3.125 tỉ đồng và dự kiến công trình hoàn thành trong quý 1/2021. Hiện 2 công ty tư vấn Sasaki (Mỹ) và HTT đã trình phương án thiết kế và đang chờ quyết định từ UBND TP.HCM. Được biết, hai nhà đầu tư này sẽ tự ứng vốn luôn khi xây dựng phương án thiết kế. Theo tiến độ, việc đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ mất gần hết năm 2018 và công trình chỉ có thể khởi công vào đầu năm 2019.