Ngoài ra, địa phương này cũng phát triển theo mô hình TOD, giao thông công cộng kết hợp với đô thị thông minh, phát triển chuỗi đô thị vệ tinh 1 thành phố trung tâm với hàng loạt thành phố vệ tinh, kết nối đường cao tốc, đường vành đai, đường sắt, cảng hàng không và cảng biển... tối đa hóa lợi thế, khắc phục được điểm nghẽn về hạ tầng yếu kém, manh mún và cục bộ địa phương.
Ngày 28/2 tại Bộ KH&ĐT, Bộ KH&ĐT cùng Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã tổ chức Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì hội thảo.
Theo báo cáo, TP.HCM năm 2030 và 2050 sẽ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, đây sẽ là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Các chỉ tiêu chung, tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
Một vấn đề được quan tâm đặc biệt là hệ thống giao thông vận tải của địa phương này sẽ được đầu tư lớn, trong đó TP.HCM là cửa ngõ kết nối của 9 tuyến đường cao tốc, 2 đường vành đai lớn.
Cụ thể, các tuyến đi qua TP.HCM bao gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông (CT.01); cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT.02); cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) (CT.27); cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (CT.28); cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai) (CT.29); cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Hoa Lư (Bình Phước) (CT.30); cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh) (CT.31); cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (Tây Ninh) (CT.32 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng (CT.33).
Ngoài ra, TP.HCM còn đầu tư 2 tuyến đường vành đai quan trọng là vành đai 3 (CT.40) có chiều dài 92 km, quy mô 08 làn xe, đầu tư trước năm 2030. Tuyến đường vành đai 4 (CT.41), có chiều dài 199 km, quy mô 04 làn xe, đầu tư sau năm 2030.
Đường sắt qua địa bàn TP.HCM như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh, dài 370 km; đường sắt TP.HCM - Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cái Răng đường đôi, chiều dài khoảng 174 km; tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến điểm nối ray biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư).
Tuyến Thủ Thiêm - Long Thành từ ga Thủ Thiêm đến ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ phục vụ hành khách: đường đôi, chiều dài khoảng 38 km.
Tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước (Chơn Thành), dài 550 km.
Ngoài ra, hệ thống giao thông, hạ tầng của TP.HCM và các địa phương phía Nam còn có hai cảng hàng không lớn nhất cả nước là Tân Sơn Nhât và Long Thành, với tổng quy mô từ 75 triệu hành khách.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, cửa ngõ kết nối vùng; là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, là đầu tàu, động lực có sức lan tỏa lớn của vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đây cũng là thành phố có đóng góp gần 20% GDP cả nước và 25% tổng thu ngân sách.
Tuy nhiên thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhiều tiềm năng, thế mạnh của địa phương và các đột phá sáng tạo chưa được khai thác hiệu quả, tăng trưởng kinh tế chưa tương ứng tiềm năng lợi thế, kỳ vọng, vai trò đầu tàu, dẫn dắt đang có xu hướng suy giảm.
"Mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm thay đổi, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động đóng góp vào tăng trưởng thấp hơn trung bình cả nước; tỷ trong công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần; cơ cấu nội bộ của ngành công nghiệp còn lạc hậu, dựa nhiều vào thâm hụt lao động"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm.