Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Cột cờ Thủ Ngữ 155 năm tuổi đã xuống cấp. Sau nhiều lần được cải tạo, đến nay di tích lịch sử cấp Thành phố này sắp được trùng tu.
UBND TP.HCM vừa thống nhất phương án đề xuất cải tạo kiến trúc và cảnh quan khu vực Cột cờ Thủ Ngữ. Đây là công trình di tích lịch sử cấp Thành phố, xây dựng từ năm 1865 và hiện do Trung tâm Văn hoá Q.1 quản lý.
Trên cơ sở đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, UBND TP.HCM đồng ý phương án di dời các cây xanh để không che khuất tầm nhìn từ Cột cờ Thủ Ngữ về phía Bến Nhà Rồng và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bên cạnh việc lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn để hoàn thiện thêm phương án thiết kế, UBND TP.HCM yêu cầu các sở ngành cần nghiên cứu đề xuất phương án treo cờ bằng hệ thống tự động và xây dựng bia tưởng niệm Tiểu đội bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng đã hi sinh tại Cột cờ Thủ Ngữ vào sáng 23/9/1945.
Di tích lịch sử Cột cờ Thủ Ngữ chuẩn bị được trùng tuVề kinh phí, việc kiểm định đánh giá chất lượng công trình, thiết kế, trùng tu Cột cờ Thủ Ngữ cũng như thi công cải tạo cảnh quan công viên khu di tích cột cờ sẽ được thực hiện bằng nguồn xã hội hoá. UBND TP.HCM yêu cầu phải hoàn thành trùng tu Cột cờ Thủ Ngữ trước tháng 1/2021.
Được người Pháp xây dựng vào tháng 10/1865, Cột cờ Thủ Ngữ có chức năng ban đầu là cột tín hiệu cho tàu bè ra vào lường rạch khu vực Sài Gòn – Gia Định. Giai đoạn 1890 – 1910, cột cờ dựng lại bằng sắt, cao 35m và có thêm sàn đứng kéo cờ. Khu vực cột cờ có thêm một số công trình phục vụ chức năng bến cảng.
Những năm 1920, ngay dưới chân cột cờ được xây dựng thêm công trình bát giác 1 tầng có mái dốc. Những năm sau đó, kiến trúc cột cờ không có sự thay đổi lớn. Đến năm 2011, Cột cờ Thủ Ngữ được trùng tu và có hình dạng kiến trúc như hiện nay.
Song song với việc trùng tu Cột cờ Thủ Ngữ, UBND TP.HCM cũng chấp thuận phương án thiết kế cải tạo chỉnh trang khu công viên Bến Bạch Đằng, phạm vi từ khu vực Cột cờ Thủ Ngữ đến Khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son.
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, ranh giới khu vực công viên Bến Bạch Đằng kéo dài từ Cột cờ Thủ Ngữ đến cầu Thủ Thiêm 2 dọc đường Tôn Đức Thắng, Q.1.
Công viên Bến Bạch Đằng sẽ được phân vùng thành 3 khu vực
Trong khu vực hiện còn một số khu đất do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng. Do đó, trước mắt đơn vị tư vấn đề xuất ranh cải tạo chỉnh trang từ Cột cờ Thủ Ngữ đến khu vực Khẩu Thần công, với diện tích 18.600m2.
Về ý tưởng chỉnh trang, công viên Bến Bạch Đằng được phân vùng thành 3 khu vực chính, đó là: Khu tưởng niệm lịch sử rộng 4.000m2; khu xúc tiến du lịch rộng 5.150m2; và khu công viên cộng đồng quy mô 2.750m2.
Chi phí đầu tư xây dựng cải tạo công viên Bến Bạch Đằng dự kiến khoảng 68 tỷ đồng, được huy động bằng nguồn xã hội hoá. UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị hoàn thành chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Phương Anh Linh