Liên quan đến công tác kết nối cung cầu nông sản và thực phẩm tươi sống cho thành phố HCM trong điều kiện Covid 19, tại diễn đàn do Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNN tổ chức ngày 11/9/2021, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.HCM cho biết, TP đã lên kế hoạch mở cửa lại các chợ đầu mối lớn.
Trong đó, chợ đầu mối Bình Điền đã mở cửa từ ngày 7/9 sau khi được Bộ Y tế đã đi kiểm tra trực tiếp và cho phép. Còn lại chợ đầu mối Hóc Môn và Thủ Đức đã xây dựng kế hoạch nhưng chưa mở cửa vì đang trong thời gian thẩm định lại phương án để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Hiện nay, hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao cũng đang dần mở lại. Ông Hiệp cho biết thêm, thời gian tới TP tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử, cho phép các shipper các đơn vị vận tải hoạt động trở lại. Các hoạt động trong chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm cũng được ưu tiên, các dịch vụ giao nhận hàng, vận tải đặc biệt nhất là lực lượng giao hàng cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn cho các đơn vị doanh nghiệp rất được ưu tiên.
Từ sau ngày 15/9, hướng hoạt động mới của thành phố là sẽ dựa trên việc kiểm soát thẻ xanh và thẻ vàng. Trong trường hợp dịch bệnh có diễn biến xấu thì chỉ có những người có thẻ xanh mới được tham gia hoạt động làm việc trực tiếp, còn đối với thẻ vàng khuyến khích chuyển qua làm việc hình thức trực tuyến hoặc “3 tại chỗ” hoặc “1 con đường 2 điểm đến” như giai đoạn trước đây.
Sau ngày 31/10, thành phố sẽ chuyển qua giai đoạn hai và sẽ bổ sung thêm các đối tượng bắt buộc có thẻ xanh dựa trên tình hình thực tế.
Cũng theo dự kiến, tới ngày 31/12/2021 sẽ có trên 80% người dân thành phố được tiêm đủ 2 mũi. Như vậy, sau ngày 15/1/2022 sẽ cho mở các hoạt động ở các trung tâm thương mại, các trung tâm tập luyện thể dục thể thao các khu vui chơi ngoài trời nhưng yêu cầu phải đảm bảo không được quá 20 người trong một hoạt động, và sau 15/1 sẽ mở hết tất cả các dịch vụ khác nếu như trong trường hợp kiểm soát được dịch tốt.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ kiến nghị với Trung ương ban hành Quy định chung về lưu thông hàng hóa trên toàn quốc, đặc biệt đối với các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ để thống nhất, hài hòa với tất cả các hoạt động chung của thành phố. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp gắn kết hoạt động cung ứng nông sản.
Về lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế, TP dự kiến thực hiện theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9/2021 - 31/10/2021), cá nhân, lao động có Thẻ xanh COVID có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Cá nhân, lao động có Thẻ vàng COVID, có xét nghiệm âm tính với COVD-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể.
Riêng tổ chức có 100% lao động có Thẻ xanh COVID được tham gia tất cả các lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Tổ chức có 100% lao động có Thẻ xanh COVID tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có Thẻ xanh COVID hoặc Thẻ vàng COVID tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10/2021 đến 15/1/2022), TP sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có Thẻ xanh COVID gồm trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).
Giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022), TP lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có Thẻ xanh COVID.