Chỉ thị của Thủ tướng ngày 31/3 cho biết, từ 0h ngày 1/4 sẽ thực hiện cách ly toàn quốc trong 15 ngày theo nguyên tắc "tỉnh nào ở tỉnh đó, nhà nào ở nhà đó".
Trước diễn biến này, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết 63 tỉnh, thành đều đã có "kế hoạch tác chiến", kịch bản ứng phó dịch bệnh theo 5 cấp độ. Trong đó, cơ quan này đã tính đến tình huống cung ứng hàng hoá khi cách ly những thành phố lớn, các thành phố vệ tinh.
"Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc cung ứng hàng hóa ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc và hiện tại, công tác này đang được tiếp tục và tăng lên thành cấp cao hơn, kể cả phương án nếu Hà Nội cách ly trên diện rộng", đại diện Vụ Thị trường trong nước khẳng định.
Trước đó, vào đầu tháng 3, Sở Công Thương TP.HCM đã xây dựng 3 tình huống cung ứng hàng hóa cho người dân với số ca nhiễm mới dưới 100, dưới 300 và dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Theo đó, với 100 ca nhiễm, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30-40% ngày thường. Nếu có dưới 300 trường hợp nhiễm bệnh, các doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ cung ứng hàng hóa vượt 50-100%. Họ đảm bảo sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, kể cả khi nhiều khu vực bị cách ly.
Kịch bản xấu nhất, các doanh nghiệp tiếp tục giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1 và 2, phát huy kênh phân phối trực tuyến. Đồng thời giảm hoặc ngừng xuất khẩu với mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phục vụ phòng chống dịch, tăng nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa tại thành phố và các tỉnh, thành.
Với từng hệ thống phân phối, các siêu thị đều tăng nguồn hàng dự trữ trong kho gấp rưỡi, gấp đôi so với trước. Đại diện Saigon Co.op cho hay, hệ thống này vẫn hoạt động bình thường nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của toàn xã hội. Ngoài ra, để tránh tình trạng hàng bị trống vì lượng khách mua đông, siêu thị luôn cử nhân viên luân phiên túc trực để bổ sung hàng hóa kịp thời, tránh tình trạng hết hàng.
Siêu thị cam kết đủ hàng hoá cung ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân trong dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, hệ thống đã dự trữ lượng hàng rất dồi dào, bao gồm gạo, mì tôm, đồ hộp, nước tinh khiết, trứng gia cầm, thịt gia súc, giấy vệ sinh… Ông Đức khẳng định “người dân có thể ăn 3- 6 tháng cũng không hết. Bà con có thể yên tâm, không cần tích trữ hàng hóa”.
Tại Lottemart, lượng hàng dự trữ cũng tăng lên 50% so với ngày thường. Siêu thị cũng liên tục họp bàn với nhà cung cấp thực phẩm để đảm nguồn cung ổn định nhất.
Thông tin với báo chí, bà Trần Kim Nga – Giám đốc Đối Ngoại Mega Market Việt Nam cho biết, lượng hàng thiết yếu bán ra tại các siêu thị tại Hà Nội tăng 20-40% so với kế hoạch. Vì thế, doanh nghiệp cũng tăng nguồn cung hàng tương ứng 40%. Nhân viên siêu thị được yêu cầu trực tại quầy toàn thời gian để kịp thời bổ sung hàng lên kệ mỗi khi trống. "Chúng tôi đảm bảo đủ hàng hoá, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân trong giai đoạn dịch bệnh này", bà Nga nói.
Song song với kênh truyền thống, các hệ thống phân phối cũng đẩy mạnh kênh online trong mùa dịch. Big C cho biết, hệ thống này ghi nhận đơn hàng mua trực tuyến qua hotline tăng 200% trong tháng 3, với 3.000 đơn hàng tại TP HCM.
Tương tự, MM Mega Market cũng mở kênh bán hàng qua điện thoại, email và tăng cường thêm nhân viên giao hàng tận nhà. Lượng đơn hàng online của Vinmart cũng tăng đột biến so với trước khi bùng phát dịch.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng: Trong tình hình dịch bệnh rõ ràng lương thực, thực phẩm là thiết yêu nhất với người dân. Vai trò, trách nhiệm nhà sản xuất và đơn vị phân phối là bắt tay nhau đưa hàng hoá ra thị trường với giá cả ổn định.
“Với việc bán hàng trực tuyến, tăng cường để giới thiệu cho người tiêu dùng mua online, giảm bớt tình trạng chen lấn tính tiền trong các siêu thị. Qua đợt dịch này người tiêu dùng sẽ hình thành thêm thói quen mua hàng thực phẩm trên mạng, thay vì chỉ có các mặt hàng thời trang, gia dụng… như trước kia.